Cách làm thủ tục hưởng chế độ thất nghiệp của người lao động.

Chế độ bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới trên cơ sở khoản trích tiền lương đã đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trước đó.
Thủ tục hưởng chế độ thất nghiệp

Cùng Luật Hà Sơn Bình tìm hiểu những bước dễ dàng để làm thủ tục hưởng chế độ thất nghiệp!

  1. Căn cứ pháp lý:
  • Luật việc làm 2013
  • Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
  • Nghị định 61/2020/NĐ – CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
  1. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Những người lao động đảm bảo 3 điều kiện dưới đây có thể nộp hồ sơ yêu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Cụ thể, 3 điều kiện bao gồm.

  • Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời gian.
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
  • Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, không thuộc các trường hợp sau đây:
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
  • Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013.
  • Người lao động không thuộc các trường hợp ngoại lệ gồm.

–  Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

–  Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

–  Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

– Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Chết.

  1. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
  • Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Điều 50 Luật Việc làm 2013)

Người lao động có thể dễ dàng tính được mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình theo công thức:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = 60% x Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp

Cần lưu ý, mức hưởng thất nghiệp này tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quy định.

  • Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Điều 50 Luật Việc làm 2013)

Dựa trên thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có thể tự tính được thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình theo nguyên tắc sau.

  • Đóng đủ từ 12 tháng đến 36 tháng: được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.
  • Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp
  • Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.
  • Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Điều 50 Luật Việc làm 2013)

NLĐ đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp.

  1. Các bước đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

  • Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu số 03 Thông tư 28/2015/TT- BLĐTBXH)
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Quyết định thôi việc.
  • Quyết định sa thải.
  • Quyết định buộc thôi việc.
  • Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
  • Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.
  • Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.
  • Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình sau.

+  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.

+  Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính thực hiện xác minh nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.

+  Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản trả lời cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác nhận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

  • Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tạiđiểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.”
  • Sổ bảo hiểm xã hội (Đã chốt thời gian đóng bảo hiểm xã hội).

Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP)

Người lao động có thể lựa chọn nộp trực tiếp hoặc nộp online.

  • Đối với hình thức nộp trực tiếp:
  • NLĐ nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. (Có thể nộp trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác nộp).
  • Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày người lao động hoặc người được uỷ quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
  • Đối với hình thức nộp online.
  • B1: Đăng nhập tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia

NLĐ đăng nhập tài khoản cá nhân trên Cỏng dịch vụ công quốc gia bằng cách nhấn vào ô “Đăng nhập” và bấm chọn vào mục “tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia”.

Tại mục CMT/CCCD, NLĐ điền thông tin tài khoản đăng nhập, nhập đúng mã xác thực và chọn “đăng nhập”. (Sau khi “đăng nhập” sẽ có 01 mã OTP sẽ được gửi về số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản đăng nhập dịch vụ công, NLĐ điền dãy số vào ô tương ứng và nhấn “xác nhận” để hoàn tất việc đăng nhập).

  • B2: Chọn mục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tại mục “Tìm kiếm nâng cao”, NLĐ điền “Giải quyết trợ cấp thất nghiệp” và nhấn vào biểu tượng tìm kiếm bên cạnh. Sau đó NLĐ chọn trong danh sách gợi ý mục “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” sau đó nhấn chọn vào ô “Nộp trực tiếp”.

  • B3: Nhập thông tin hệ thống yêu cầu.

Khi giao diện mới mở ra, NLĐ nhập thông tin theo yêu cầu gồm mẫu đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 01.

Lưu ý: Những mục có dấu (*) là mục thông tin bắt buộc phải nhập.

Sau khi đã nhập đầy đủ các thông trên. Chọn gửi “Trung tâm dịch vụ việc làm” thuộc Sở LĐTBXH để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

  • B4: Chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp

Sau khi điền hết các thông tin, NLĐ chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại bước này, NLĐ có thể chọn nhận qua tài khoản nhận hàng hoặc nhận tại cơ quan BHXK quận/huyện nơi cư trú.

  • B5: Tải file đính kèm

NLĐ tải file đính kèm là bản chụp/scan một trong các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động/làm việc theo quy định.

  • B6: Chọn cơ quan tiếp nhận và nộp hồ sơ

Sau khi tải file đính kèm, NLĐ chọn cơ quan tiếp nhận bằng cách nhập tỉnh/ thành phố và Trung tâm dịch vụ việc làm tương ứng tại tỉnh/thành phố nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Sau đó nhấn chọn ô “Nộp hồ sơ” để hoàn tất.

  1. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp:
  • Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Lao động và thương binh xã hội của địa phương nơi NLĐ sinh sống hoặc làm việc.
  • Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của địa phương nơi NLĐ sinh sống hoặc làm việc.

Như vậy, NLĐ đang thường trú ở địa phương nào thì có thể nộp hồ sơ đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm của địa phương đó.

  1. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính hưởng trợ cấp thất nghiệp:
  • Người lao động nhận Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
  • Trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Trung tâm giới thiệu việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Tiền hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp: NLĐ được chi chế độ này theo tháng và phải thực hiện việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng.
  1. Phương thức nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp

NLĐ có thể nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm nơi NLĐ nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN, các tổ chức BHXH cấp xã, huyện, thị trấn nơi được BHXH cấp tỉnh uỷ nhiệm chi trả hoặc thông qua tài khoản ngân hàng.

Trường hợp NLĐ hưởng chế độ đăng ký chi trả bằng hình thức chi trả qua tài khoản ngân hàng sẽ được cơ quan BHXH chuyển tiền vào số tài khoản đã đăng ký.

Còn trường hợp  NLĐ hưởng chế độ trực tiếp , khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm, cơ quan BHXH nơi thụ lý hồ sơ, NLĐ cần mang theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và căn cước công dân để được chi trả theo đúng quy định.

  1. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:
  • Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Người lao động cần chú ý làm theo hướng dẫn của Trung tâm giới thiệu việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ phải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

  • Tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm nếu vẫn còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mà tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội quyết định về việc tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

  • Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau.

  • Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
  • Có việc làm.
  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
  • Hưởng lương hưu hằng tháng.
  • Sau 02 lần người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng.
  • Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
  • Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp.
  • Chết.
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  • Bị tòa án tuyên bố mất tích.
  • Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Cùng Luật Hà Sơn Bình tìm hiểu các thông tin hữu ích về pháp luật.
Với tiêu chí:
+ Luôn luôn “Tận Tâm”
+ Giữ trọn “Chữ Tín”
+ Đem lại “Hiệu Quả” tối ưu nhất
Với dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại trực tuyến, chúng tôi mong muốn được góp phần nhỏ bé để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, đưa từng quy định, đưa dịch vụ Luật sư đến mọi người – mọi nhà!
Chúng tôi mong muốn bất cứ người dân nào, khách hàng nào cũng có thể sử dụng dịch vụ pháp lý, dịch vụ Luật sư, kể cả là những người ít có điều kiện nhất, xa xôi một cách tốt nhất, kịp thời nhất!