Nuôi con nuôi và những điều cần biết

Nuôi con nuôi không còn là điều mới lạ trong cuộc sống ngày nay. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về nuôi con nuôi và những vấn đề xung quanh việc nuôi con nuôi, Luật Hà Sơn Bình xin chia sẻ một số thông tin trong bài viết dưới đây.

Khái niệm nuôi con nuôi

Nuôi con nuôi được hiểu là việc một người độc thân hay hai người là vợ chồng nhận nuôi một người khác không do họ sinh ra, nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật.

cham dut viec nuoi con nuoi thu tuc va he qua phap ly

Mục đích của việc nuôi con nuôi

Theo quy định của pháp luật hiện hành quy định về mục đích của việc nuôi con thì việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình ( Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010).

Tuy nhiên, để nhằm hạn chế những việc lấy danh nghĩa nuôi con nuôi để thực hiện những hành vi trái pháp luật như lừa đảo, bắt cóc, mua bán trẻ em nhằm mục đích trục lợi thì Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có quy định các hành vi bị cấm như sau:

  1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
  2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
  3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
  4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
  5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
  6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
  7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Xem thêm: Chồng có thể nhận con của vợ làm con nuôi không?

Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi

Về nguyên tắc giải quyết việc nhận nuôi con nuôi được quy định tại Điều 4 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 như sau:

  1. Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
  2. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
  3. Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

1.chong co the nhan con cua vo lam con nuoi khong

Điều kiện để việc nuôi con nuôi hợp pháp 

Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi

Người được nhận làm con nuôi phải đảm bảo các điều kiện sau đây mới có tư cách nhận nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010. Cụ thể như sau:

– Trẻ em dưới 16 tuổi 

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

– Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

 – Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi

Người nhận con nuôi hay còn hiểu là cha mẹ nuôi được hiểu là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật nuôi con nuôi năm 2010.

Để việc nhận con nuôi hợp pháp thì người nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện nhận con nuôi theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 bao gồm:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

–  Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

 – Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

–  Có tư cách đạo đức tốt.

Điều kiện về ý chí của các bên chủ thể

Về sự thể hiện ý chí của bên nhận nuôi con nuôi

Bên nhận con nuôi phải dựa trên ý chí tự nguyện, nhu cầu tình cảm phù hợp với quy định pháp luật tại khoản 3 Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 và phù hợp với ý chí của người được nhận làm con nuôi. 

Ý chí của người nhận con nuôi được thể hiện qua đơn xin nhận con nuôi, trong đơn nhận con nuôi, họ nêu rõ mong muốn và nguyện vọng của bản thân về ý muốn nhận con nuôi và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện. 

Trong trường hợp người độc thân là người nhận con nuôi thì người đó có quyền độc lập thể hiện ý chí tự nguyện của mình về việc nuôi con nuôi trong đơn xin nuôi con nuôi và trong trường hợp người nhận nuôi là hai vợ chồng thì ý chí mong muốn nhận con nuôi phải là ý chí chung của cả hai vợ, chồng.

chong co the nhan con cua vo lam con nuoi khong

Về ý chí của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được nhận làm con nuôi

Tại khoản 1 Điều 21 thì việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. 

Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.( Khoản 4 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010)

Về ý chí của người được nhận làm con nuôi

Khoản 1 Điều 21 Luật nuôi con nuôi có quy định trường hợp nhận trẻ em từ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì phải có được sự đồng ý của trẻ em đó. Sự đồng ý của trẻ phải trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc không bị đe dọa, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Về ý chí của nhà nước

Việc nuôi con nuôi chỉ có giá trị pháp lý khi nó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo trình tự,thủ tục nhất định.Sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện qua việc tiến hành đăng ký nuôi con nuôi và ra quyết định công nhận nuôi con nuôi. Nếu các bên không có đủ các điều kiện mà pháp luật quy định thì cơ quan đăng ký có quyền từ chối việc đăng ký này.

 Điều kiện đăng ký nuôi con nuôi

Hồ sơ nhận con nuôi 

 Theo quy định Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP có quy định: “Hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi” 

Theo Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010  thì hồ sơ bao gồm: 

–  Đơn xin nhận con nuôi;

– Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

–  Phiếu lý lịch tư pháp;

–  Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

2.cham dut viec nuoi con nuoi thu tuc va he qua phap ly

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước cần chuẩn bị

Tại Điều 18 Luật nuôi con nuôi năm 2010, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng, hồ sơ bao gồm:

– Giấy khai sinh;

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

– Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

– Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Hồ sơ phải được lập thành 1 bộ khi có yêu cầu nhận nuôi con nuôi, người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú ( Điều 19 Luật Nuôi con nuôi năm 2010).

Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi bao gồm những nội dung như sau:

“1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

  1. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

  1. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
  2. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.”

Theo quy định trên thì hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi được quy định theo các mối quan hệ sau:

  • Quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi

Kể từ ngày việc nuôi con nuôi được đăng ký, đứa trẻ được giao cho cha mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng, giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan. 

Xem thêm: Chấm dứt việc nuôi con nuôi – thủ tục và hệ quả pháp lý

  • Quan hệ giữa con nuôi với những thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi

Khi con nuôi được cha mẹ nuôi nhận về làm con thì người con không chỉ sống riêng biệt với cha, mẹ nuôi mà còn cùng chung sống với các mối quan hệ gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi mà còn cùng chung sống với các mối quan hệ gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi ( cha, mẹ đẻ của cha nuôi, mẹ nuôi, các con đẻ của cha mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha nuôi, mẹ nuôi,…).

Theo quy định tại Điều 24 trên thì giữa con nuôi và các thành viên của gia đình cha, mẹ nuôi sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ đối với các thành viên khác trong gia đình cha nuôi, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình.

  • Quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ đẻ và gia đình gốc

Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ với con đã đi làm con nuôi tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ với cha mẹ nuôi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi. 

Gia đình gốc là gia đình gồm những người có quan hệ huyết thống với nhau, gia đình gốc của người con được cho làm con nuôi (ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột), hiện tại Luật Nuôi con nuôi 2010 không quy định về việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa người con cho làm con nuôi với ông bà nội ngoại, các cụ nội ngoài, anh chị em ruột, cô, dì, chú bác, cậu ruột,… và cũng chưa có quy định củ thể hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ của cá nhân đã được cho đi làm con nuôi với gia đình gốc.

Trên đây là hướng dẫn của Luật Hà Sơn Bình về khái niệm nuôi con nuôi và những điều cần biết. Nếu có vướng mắc hoặc cần thêm thông tin tư vấn luật hôn nhân gia đình xin vui lòng liên hệ hotline 1900.6193  để được hỗ trợ.

—————————

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Địa chỉ: Số 68 Bắc Sơn (Km20+500), TDP Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

VP: Số 22, ngõ 20, Nguỵ Như Kom Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6193

Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com