Yêu cầu độc lập vụ án dân sự

(Luật Hà Sơn Bình) – Trong tố tụng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ có Quyền đề xuất yêu cầu độc lập của chính mình, vậy yêu cầu độc lập vụ án dân sự này cần đáp ứng điều kiện gì và thủ tục như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự

1. Yêu cầu độc lập là gì?

Yêu cầu độc lập (trong tiếng anh còn gọi là “Independent requirement”) là yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, mà trong vụ án dân sự người này sẽ tham gia với vai trò độc lập, riêng biệt để đưa ra yêu cầu của riêng mình nhưng yêu cầu này phải liên quan, gắn với vụ án đang được giải quyết.

Xét bản chất yêu cầu riêng biệt của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

  • Là một dạng của yêu cầu khởi kiện, có thể được khởi kiện thành một vụ án độc lập.
  • Có sự phụ thuộc và gắn với một vụ án đang được giải quyết, nếu tách ra vụ án mới sẽ không đảm bảo được quyền lợi của các bên liên quan.
  • Ý nghĩa của yêu cầu: Giúp các cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan một cách nhanh chóng; Rút ngắn thời gian giải quyết vụ án khi giải quyết trong cùng vụ án.

2. Quy định về yêu cầu độc lập vụ án dân sự

a. Quyền đưa ra yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã ghi nhận quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở điểm b, khoản 1, Điều 73 như sau:

“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 Bộ luật này;

b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bên bị đơn”

b. Trường hợp được Tòa án chấp nhận

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận khi có các điều kiện sau:

  • Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
  • Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;
  • Yêu cầu của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Thời điểm đưa ra Yêu cầu được Tòa chấp nhận: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu đtrước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải.

c. Trình tự thực hiện yêu cầu độc lập vụ án dân sự

Sau khi được nhận thông báo thụ lý và được Toà án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền đưa ra yêu cầu của mình như sau:

  • Phải có đơn có yêu cầu độc lập: hình thức và nội dung tuân theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự. Xem mẫu đơn và cách kê khai tại đây: >>Mẫu đơn yêu cầu độc lập<<
  • Toà có thẩm quyền đã thụ lý vụ việc sẽ xem xét đơn theo quy định tại Điều 191, Điều 192, Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu có căn cứ để thụ lý yêu cầu độc lập thì Tòa án sẽ ra thông báo nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí.
  • Sau khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vụ án dân sự hoàn tất nghĩa vụ thì Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên đây là một số tư vấn của Luật Hà Sơn Bình gửi tới quý bạn đọc, để tìm hiểu rõ hơn hoặc tư vấn chuyên sâu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong tố tụng hãy liên hệ hotline 1900 6193.

—————————-

CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ SƠN BÌNH

Địa chỉ VP: Đường du lịch Chùa Trầm, Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tp Hà Nội.

Hotline: 1900 6193

Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com