Với vai trò là người đại diện pháp lý và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Luật sư đóng góp không nhỏ vào sự công bằng và ổn định trong xã hội. Sự liêm chính trong hoạt động hành nghề Luật sư gắn liền với yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Như bất kỳ nghề nghiệp nào, cũng có những tranh cãi và trách thức về sự liêm chính. Đối với Luật sư, liêm chính chính là nền tảng cơ bản khi hành nghề. Vì vậy, việc bàn về sự liêm chính của Luật sư trong hoạt động hành nghề là rất quan trọng để hiểu và đánh giá đúng vai trò của Luật sư trong ngành tư pháp.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liêm được hiểu là “là trong sạch, không tham lam”, là “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình”; còn Chính là sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải. Ngoài ra, cũng có nhiều cách hiểu khác về khái niệm liêm chính, nhưng tựu chung lại nội hàm của liêm chính được hiểu là sự trong sạch và thẳng thắn. Đây là phẩm chất cần phải có của những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nói chung và luật sư nói riêng.
Hiện nay với xu thế phát triển của xã hội, vai trò của Luật sư ngày càng được coi trọng. Vì vậy sự liêm chính trong phẩm chất đạo đức của người Luật sư là yếu tố thực sự cần thiết để Luật sư xứng đáng với sự tin cậy của xã hội và người dân. Để đánh giá sự liêm chính của Luật sư cần dựa trên bốn tiêu chuẩn sau đây:
1. Tiêu chuẩn thứ nhất: Bảo đảm tính độc lập, khách quan, vô tư trong hành nghề luật sư
Độc lập, khách quan, vô tư được hiểu là khi đưa ra ý kiến tư vấn hoặc biện hộ Luật sư không bị phụ thuộc vào kết quả giao dịch hoặc tranh chấp, không bị ảnh hưởng phụ thuộc bởi bất cứ áp lực bên ngoài nào về vật chất và tinh thần, kể cả từ cơ quan quyền lưc, cơ quan điều tra, tòa án hay các lực lượng khác.
Điều 5 Luật Luật sư 2006 quy định về các nguyên tắc hành nghề luật sư trong đó có nguyên tắc “Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan”.
Quy tắc 2 của Bộ Quy tắc ứng xử quy định rõ: “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.”
Để đảm bảo tính độc lập, đầu tiên Luật sư phải là người tuân thủ pháp luật, tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Tính độc lập còn thể hiện ở các khía cạnh khác như: Đối với Khách hàng: tính độc lập trong hoạt động hành nghề thể hiện sự tôn trọng Khách hàng, tôn trọng pháp luật, không phụ thuộc vào yêu cầu trái pháp luật, trái đạo đức nếu Khách hàng đặt vấn đề; Đối với các Cơ quan Nhà nước: Tính độc lập phải được đề cao hơn hết để bảo vệ quyền và lợi ích của Khách hàng.
Riêng với mỗi cá nhân Luật sư, đảm bảo khách quan, vô tư trong hoạt động hành nghề là thước đo phẩm chất, đạo đức hết sức quan trọng. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù, Luật sư phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật và dùng công bằng, lẽ phải để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan và hoạt động hành nghề công tâm, vô tư, không vụ lợi, không nên có những sự áp đặt ý thức chủ quan để khiến bản chất mỗi vụ việc bị thay đổi không đúng sự thật, không nhận các vụ việc xung đột lợi ích.
2. Tiêu chuẩn thứ hai: Trung thực, thẳng thắn, tôn trọng sự thật khách quan
Tiêu chuẩn này yêu cầu Luật sư phải duy trì mức cao nhất sự trung thực, liêm khiết, chính trực, công bằng với khách hàng, Tòa án, các cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan và các bạn bè đồng nghiệp.
Điều 9 Luật Luật sư 2006 quy định các hành vi nghiêm cấm luật sư thực hiện: “Sách nhiễu, lừa dối khách hàng” (điểm d); “Nhận, đòi hỏi thêm bất kì một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý” (điểm đ); “Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, việc chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc” (điểm g).
Quy tắc 9 trong Bộ Quy tắc quy định: Luật sư không được: “Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng”(Quy tắc 9.4); “Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về nối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hàng tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác” (Quy tắc 9.6); “hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc…”(Quy tắc 9.8); ….
Trong quá trình hành nghề, Luật sư phải trung thực, thẳng thắn, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hay bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề Luật sư.
Theo đó, trung thực được coi là một nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động hành nghề Luật sư, bởi lẽ để tìm ra sự thật, Luật sư phải trung thực, trung thực với chính mình, với khách hàng, với các cơ quan tổ chức khác và người tiến hành tố tụng. Luật sư luôn giữ cho mình sự khiêm tốn, chỉ nhận sự ủy thác, nhờ cậy của khách hàng thực hiện công tác bảo vệ đối với những vụ việc mà mình có đủ khả năng, trình độ. Luật sư phải bảo vệ pháp luật và sự công bằng của pháp luật. Muốn có sự công bằng luật sư phải dựa trên sự thật khách quan. Luật sư không vì lợi ích của bản thân mình, vì lợi ích của khách hàng mà đi ngược lại sự thật, bóp méo, làm việc theo sự sắp đặt để che giấu đi sự thật. Khi tiến hành công việc, Luật sư phải luôn luôn thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan, không áp đặt ý thức chủ quan, duy ý chí.
3. Tiêu chuẩn thứ ba: Giữ gìn bí mật thông tin khách hàng
Tiêu chuẩn này thể hiện như một nghĩa vụ của Luật sư. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong dịch vụ; Luật sư yêu cầu đồng nghiệp cam kết không tiết lộ bí mật khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc được sự đồng ý của khách hàng.
Khoản 1 Điều 25 Luật Luật sư 2006 quy định: “Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề”.
Quy tắc 7 trong Bộ Quy tắc quy định về “Giữ bí mật thông tin”: “7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.”
Như vậy Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý và ngay cả sau khi kết thúc. Tuy nhiên, Luật sư không có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin khách hàng nếu đó là những thông tin Luật sư biết được sau khi kết thúc vụ việc hoặc những thông tin không liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Khoản 3 Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 quy định: “3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình”.
Quy tắc 7.2 quy định: “7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Không chỉ Luật sư là người giữ bí mật thông tin khách hàng, các Luật sư, nhân viên trong tổ chức hành nghề Luật sư cũng phải giữ bí mật thông tin khách hàng nếu họ biết được. Trường hợp tổ chức hành nghề Luật sư, nhân viên tiết lộ thông tin khách hàng sẽ phảo chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi lẽ. tổ chức hành nghề luật sư là một tổ chức, nhiều người, khách hàng không phải là khách hàng của riêng luật sư mà là khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư đó. Do vậy, nếu nhân viên trong tổ chức hành nghề luật sư tiết lộ thông tin về khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
4. Tiêu chuẩn thứ tư: Xử lý tốt các quan hệ lợi ích, tránh xung đột lợi ích
Tiêu chuẩn này được hiểu là Luật sư phải tránh xung đột lợi ích giữa khách hàng với Luật sư, giữa Luật sư với Luật sư khác cùng công ty hoặc khách hàng hàng của Luật sư, trừ trường hợp pháp luật hoặc quy tắc đạo đức nghề nghiệp quy định khác hoặc được sự đồng ý của khách hàng và khách hàng liên quan.
Giải quyết xung đột lợi ích là 1 trong 10 nguyên tắc cơ bản về ứng xử trong hành nghề Luật sư của Hiệp hội Luật sư Quốc tế . Tại Việt Nam, giải quyết xung đột lợi ích được quy định tại Quy tắc 15 của Bộ Quy tắc. Theo đó: “Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này” (15.1). Đồng thời, “Trong quá trình thực hiện vụ việc, luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Nếu phát hiện có xung đột về lợi ích xảy ra ngoài ý muốn của luật sư thì luật sư cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết” (15.2). Và trong những trường hợp cụ thể được quy định tại Quy tắc 15.3 thì Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối thực hiện vụ việc.
Do đó, để có thể xử lý tốt các quan hệ, tranh xung đột về lợi ích đòi hỏi Luật sư phải có cách hành xử khéo léo trong các mối quan hệ,với khác hàng hay Luật sư đồng nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc sống, trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư có sự đan xen của nhiều mối quan hệ: giữa Luật sư với khách hàng, giữa các khách hàng của Luật sư với nhau, giữa khách hàng của Luật sư với bên thứ ba có liên quan,… Lợi ích của các bên trong các mối quan hệ này là khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau, đặt Luật sư vào thế “khó xử”. Vì vậy, Luật sư cần giải quyết sự xung đột lợi ích phát sinh từ những mối quan hệ này để đảm bảo nguyên tắc độc lập, từ đó mới thực hiện được những nghĩa vụ đối với khách hàng, với đồng nghiệp. Có giải quyết được xung đột lợi ích mới góp phần củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng nói riêng, của cộng đồng xã hội nói chung đối với Luật sư và nghề Luật sư.
Trong hoạt động hành nghề của mình, để giữ được sự liêm chính Luật sư cần phải có khả năng để tự xây dựng sự bản lĩnh, lòng dũng cảm cho chính bản thân, và cũng vì như thế, nội tại của một Luật sư phải thật là vững chắc. Sự vững chắc ấy không ở đâu xa, mà đến từ ý chí quyết tâm, thái độ ngay thẳng trung thực, sự kỉ luật từ chính bản thân mỗi Luật sư và chỉ có thể đến từ chính bản thân người đó mà được tôi luyện thành. Yếu tố chủ quan vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất tác động mỗi Luật sư trong việc gìn giữ sự liêm chính, bởi Luật sư luôn cần phải rèn luyện và trau dồi bản thân, để chiến thắng những ham muốn và lòng tham vốn đã luôn tồn tại trong chính bản thân mình.
Bên cạnh yếu tố chủ quan, có rất nhiều những yếu tố khách quan bên ngoài có thể ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến phẩm chất liêm chính của Luật sư. Khi tham gia vào hoạt động tranh tụng, vì muốn thắng kiện, không ít Luật sư đã bất chấp đạo đức nghề nghiệp, không màng đến sự liêm chính khi làm nghề mà đã cùng khách hàng thực hiện hành vi bao che tội phạm. Thực ra đây cũng là điều khó cho Luật sư khi rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, 1 bên là tố giác tội phạm, 1 bên lại là phải giữ bí mật thông tin khách hàng (theo Bộ quy tắc). Có những trường hợp Luật sư vì lợi ích mà khách hàng đưa ra, khi phản biện tại phiên tòa luôn khẳng định thân chủ của mình không có tội, dù thân chủ đã phạm những tội nghiêm trọng. Do đó, có thể thấy, không phải Luật sư nào cũng có thể không màng lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Yếu tố khách quan thứ hai tác động đến phẩm chất liêm chính của Luật sư chính là mối quan hệ đồng nghiệp giữa các Luật sư. Người Việt chúng ta thường rất ngại đụng chạm tới quy trình tố tụng, do đó, số lượng người dân đi thưa kiện còn ít so với những sự việc xảy ra trong thực tế. Điều này dẫn đến lượng khách hàng của Luật sư không nhiều, nên khi có khách hàng mới, giữa các Luật sư sẽ có tâm lý tranh giành khách hàng của nhau. Đây là một thực tế rất đáng buồn, phản ánh đúng thực trạng sự liêm chính trong mối quan hệ giữa các Luật sư.
Yếu tố khách quan thứ ba có tác động đến sự liêm chính của Luật sư, đó chính là mối quan hệ giữa Luật sư và cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan tố tụng. Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa. Trên thực tế, Luật sư muốn hoàn thành công việc bào chữa cho khách hàng của mình, tham gia đầy đủ trong các giai đoạn tố tụng đã gặp rất nhiều khó khăn từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng tạo ra. Do đó, có nhiều Luật sư phải chọn “con đường phụ” chỉ để được gặp khách hàng của mình. Điều này không chỉ vi phạm Bộ quy tắc ứng xử chung đối với nghề Luật sư mà còn làm mất đi phẩm chất liêm chính – phẩm chất vốn có trong 1 người Luật sư. Có thể thấy rằng, sự liêm chính của nghề Luật sư phụ thuộc rất nhiều vào sự liêm chính của hệ thống tư pháp, nếu không có tư pháp công minh và liêm chính thì Luật sư vốn được coi là “bổ trợ tư pháp” cũng khó có thể liêm chính được.
Và để có thể duy trì và phát triển phẩm chất đạo đức đáng quý này, nhóm chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất về về các phương pháp mà luật sư và các tổ chức, liên đoàn luật sư có thể áp dụng để nâng cao hình ảnh của một nghề liêm chính như sau:
Thứ nhất, luật sư nên luôn tuân thủ và thuộc lòng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và những nguyên tắc cơ bản của đạo đức, như sự trung thực, tôn trọng quyền lợi của khách hàng, và việc bảo vệ quyền pháp lý một cách công bằng.
Thứ hai, luật sư cần luyện tập áp dụng phẩm chất liêm chính và trung thực trong tất cả các khía cạnh của công việc, từ tương tác với khách hàng đến đại diện cho khách hàng trong phiên tòa. Luật sư luôn phải tự nhắc nhở bản thân không nên làm giảm phẩm chất của nghề nghiệp bằng cách gian lận, lừa dối hoặc giấu thông tin quan trọng.
Thứ ba, luật sư cần liên tục nâng cao kiến thức chuyên môn của mình và theo dõi những thay đổi trong lĩnh vực pháp lý. Điều này giúp họ cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và đảm bảo rằng họ đáp ứng được yêu cầu của hệ thống pháp luật. Khi có kiến thức hành nghề vững vàng, khả năng giải quyết các yêu cầu của khách hàng được nâng cao thì những hành vi bất chính cũng có thể được loại bỏ. Điều này có thể đạt được khi luật sư đầu tư vào việc tự học và đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới nhất trong lĩnh vực pháp lý.
Thứ tư, cần có cơ chế giám sát nội bộ và xử lý khiếu nại. Các tổ chức luật sư và các tổ chức chuyên ngành có thể thiết lập quy trình giám sát nội bộ để đảm bảo tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và nhận biết các vi phạm. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế xử lý khiếu nại một cách minh bạch và công bằng để giải quyết những vấn đề xảy ra.
Thứ năm, cần mở rộng và đổi mới công tác truyền thông, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về xây dựng liêm chính nghề luật sư, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông để đảm bảo sức mạnh của công luận và nhân dân, nhất là trong tuyên truyền các tấm gương luật sư liêm chính.
Cuối cùng, để phát huy hiệu quả nhất tinh thần liêm chính của nghề luật sư, cần đặt trong tổng thể và đồng với việc xây dựng liêm chính toàn ngành tư pháp, hoàn thiện và thực thi có hiệu quả quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Các văn bản ban hành cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc xử lý các trường hợp xung đột lợi ích, quan liêu, giúp Luật sư có điều kiện và môi trường hành nghề ổn định và phát triển.
Tổng kết lại, sự liêm chính của Luật sư là nền tảng vững chắc cho công việc của họ, được phản ánh trong việc đảm bảo sự công bằng, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Để đảm bảo sự liêm chính trong hoạt động hành nghề của luật sư, cần có sự giám sát, kiểm soát và đánh giá chất lượng nghề nghiệp, đồng thời xử lý một cách nghiêm minh những hành vi vi phạm. Cuối cùng, sự liêm chính của Luật sư không chỉ phụ thuộc vào cá nhân mỗi Luật sư, mà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của xã hội. Chỉ khi công chúng có niềm tin vào nghề luật và thấy được vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi và công bằng, sự liêm chính của Luật sư mới thực sự có ý nghĩa.