Tiền lương hay còn được gọi là tiền công, thù lao. Tiền lương là biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, là giá cả sức lao động được hình thành thông qua sự thoả thuận của các bên, bằng pháp luật và pháp quy của Quốc gia. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, mời bạn đọc cùng Luật Hà Sơn Bình tìm hiểu các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền lương làm thêm giờ và tiền lương làm việc vào ban đêm.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Nghị định 145/2020/NĐ – CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Tiền lương là gì?
Điều 90 BLLĐ 2019 quy định như sau:
“1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”
Theo đó, các nguyên tắc cơ bản của tiền lương bao gồm:
- Việc trả lương phải trên cơ sở thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ nhưng không được thoả thuận thấp hơn mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định.
- Tiền lương phải được trả trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc.
- Tiền lương phải được trả theo năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả công việc.
- NSDLĐ phải trả lương bình bằng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.
Mức lương tối thiểu và hình thức trả lương
Mức lương tối thiểu
Điều 91 BLLĐ 2019 quy định về mức lương tối thiểu như sau:
“1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
- Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
- Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.”
So với quy định của BLLĐ 2012, cách xác lập mức lương tối thiểu đã có sự điều chỉnh. Theo đó, mức lương tối thiểu chỉ được xác lập theo vùng, không còn được xác lập theo ngành và chỉ được ấn định theo tháng và giờ, không còn được ấn định theo ngày.
Như vậy, mức lương tối thiểu theo ngành đã bị bãi bỏ. Trong các thoả ước lao động tập thể ngành, các bên sẽ không cần thoả thuận về một mức lương tối thiểu ngành như trước nữa. Mức lương theo công việc hoặc theo chức doanh tại hợp đồng lao động được thoả thuận giữ NSDLĐ và NLĐ chỉ cần đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cho nhà nước quy định.
Hình thức trả lương:
- NSDLĐ và NLĐ thoả thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán, cụ thể như sau:
- Tiền lương theo thời gian được trả cho NLĐ hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thoả thuận trong hợp đồng lao động. Cụ thể:
+ Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc;
+ Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
+ Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
+ Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
+ Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
+Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Trả lương cho người lao động làm thêm giờ, làm ban đêm
Theo quy định tại điều 98 BLLĐ 2019 thì:
NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ, lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.
Và để rõ ràng hơn, pháp luật về lao động hiện hành đã đưa ra các công thức chi tiết để hướng dẫn tính tiền lương trong từng trường hợp, cụ thể:
Tiền lương làm thêm giờ:
- Đối với NLĐ hưởng lương theo thời gian
NLĐ được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do NSDLĐ quy định và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số giờ làm thêm |
Trong đó:
- Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường được xác định như sau:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | = | Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà NLĐ làm thêm giờ
Tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày NLĐ làm thêm giờ |
Lưu ý:
+ Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà NLĐ làm thêm giờ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ, lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương; tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
+ Tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày NLĐ làm thêm giờ không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm.
- Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường;
- Mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
- Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.
- Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm
NLĐ được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thoả thuận với NSDLĐ và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số sản phẩm làm thêm |
Trong đó:
- Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường;
- Mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
- Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ, lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương;
- Làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hàng tuần và làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần.
NLĐ làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì NLĐ được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Tiền lương làm việc vào ban đêm
- Đối với NLĐ hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm việc vào ban đêm
Tiền lương làm việc vào ban đêm | = | Tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | + | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 30% | x | Số giờ làm việc vào ban đêm |
Trong đó: Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường được xác định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/20220/NĐ-CP.
- Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm việc vào ban đêm | = | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | + | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 30% | x | Số sản phẩm làm vào ban đêm |
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm
- Đối với NLĐ hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm | = | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | + | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 30% | + | 20% | x | Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương | x | Số giờ làm việc vào ban đêm |
Trong đó:
- Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường được xác định theo điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ- CP.
- Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:
+ Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm);
+ Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường;
+ Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường.
- Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm | = | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | + | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 30% | + | 20% | x | Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương | x | Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm |
Trong đó: Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:
- Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm);
- Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường;
- Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
Trên đây là chia sẻ của Luật Hà Sơn Bình về tiền lương, tiền lương làm thêm giờ và tiền lương làm việc vào ban đêm của người lao động theo quy định của pháp luật. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn đọc trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006193.