Câu hỏi của bạn:
Xin chào luật sư, hiện tại gia đình nhà em đang có tranh chấp về mảnh đất do ông nội của em để lại. Ông có 2 người con trai, bố của em là con cả và có một chú; hiện tại ông nội em đã có di chúc để lại hoàn toàn quyền sử dụng đất cho nhà em sau khi ông mất và đã chứng thực tại UBND phường (Ông năm nay 70 tuổi và vẫn còn rất minh mẫn ạ). Cách đây 08 tháng, 2 gia đình đã xảy ra mâu thuẫn vì đất, bố em bị chú dùng dao đâm phải nhập viện cấp cứu và hôn mê sâu. Vậy, em muốn anh chị tư vấn giúp em về các thủ tục hoặc đơn từ để bố em được hưởng di chúc hợp pháp, tránh các xích mích và mâu thuẫn hiểu nhầm bên gia đình chú em ạ. Em cảm ơn anh chị !
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn pháp luật đến Luật Hà Sơn Bình. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ Luật dân sự 2015
Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 624, khoản 1 Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Như tình huống trên của bạn đã trình bày, di chúc do ông bạn viết và đã được chứng thực tại UBND phường do đó di chúc này được coi là hợp pháp
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự hiện hành thì việc chia thừa kế sẽ được tiến hành theo nội dung di chúc trong trường hợp di chúc là hợp pháp. Tuy nhiên trong một số trường hợp quy định tại Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015, các đối tượng sau có quyền được hưởng di sản thừa kế khi người lập di chúc không để lại di sản cho họ hoặc chỉ cho hưởng ít hơn 2/3 suất đó:
- Con chưa thành niên
- Cha, mẹ, vợ, chồng
- Con thành niên mà không có khả năng lao động
Trường hợp nếu chú của bạn là người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì chú của bạn vẫn sẽ được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật kể cả khi chú của bạn không có tên ghi trong nội dung di chúc. Trường hợp chú của bạn được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015 mà bố bạn không đồng ý chia di sản thì bố bạn phải cần phải chứng minh chú bạn thuộc một trong những trường hợp không được quyền hưởng di sản quy định tại Điều 621 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Kết luận, nếu hiện tại hai bên gia đình nhà bạn và chú bạn chưa có tranh chấp xảy ra thì bố bạn không cần phải làm thủ tục nào cả, di chúc do ông bạn để lại là hợp pháp nên bố bạn có quyền hưởng toàn bộ quyền sử dụng đất đó. Sau này, khi ông của bạn mất mà chú bạn muốn chia di sản thừa kế thì bố bạn cần phải chứng minh chú bạn thuộc một trong các trường hợp không được hưởng di sản như trên theo Điều 621 Bộ Luật dân sự 2015.
Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới Hotline: 1900.6193 để được tư vấn hoặc đặt lịch gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm: Tư vấn dịch vụ tranh tụng quyền sở hữu đất đai
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ SƠN BÌNH
Địa chỉ VP: Đường du lịch Chùa Trầm, Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Hotline: 1900 6193
Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com