5 mức phạt đối với NSDLĐ khi không sắp xếp cho NLĐ nghỉ giữa giờ

Thời gian nghỉ giữa giờ là một trong những vấn đề pháp luật mà người lao động rất quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người lao động cũng như người sử dụng lao động chưa nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này. Hãy cùng Luật hà Sơn Bình tìm hiểu các quy định của pháp luật về thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động trong khuôn khổ bài viết dưới đây.

Thời gian nghỉ giữa giờ

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019.
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Quy định của pháp luật về thời gian nghỉ giữa giờ:

Điều 109 BLLĐ 2019 quy định như sau:

 1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

  2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

  • NLĐ làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
  • Trường hợp NLĐ có thời giờ làm việc vừa rơi vào khung giờ làm việc ban ngày và vừa rơi vào khung giờ làm việc ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau), pháp luật hiện hành đã có quy định rõ ràng để tính thời gian nghỉ giữa giờ cho NLĐ trong tình huống này. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục được áp dụng đối với NLĐ làm việc từ 06 giờ trở lên trong ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm.

Ví dụ: NLĐ có thời giờ làm việc từ 20 giờ đến 04 giờ sáng ngày hôm sau (có 06 giờ rơi vào khung giờ làm việc vào ban đêm) sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút theo quy định của pháp luật.

  • Đối với trường hợp làm “ca liên tục”. Theo pháp luật hiện hành thì “ca liên tục” được hiểu là ca làm việc có 08 giờ hoặc 06 giờ làm việc liên tục. Đây là trường hợp tổ chức làm việc theo ca và thoả mãn các điều kiện về ca liên tục theo quy định. Cụ thể:
  • Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của NLĐ từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
  • Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
  • Ca liên tục là ca làm việc có đủ các điều kiện sau đây:

+ NLĐ làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên; và

+ Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.

Ngoài ra, NSDLĐ sẽ quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc của ca làm việc. NLĐ làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Các doanh nghiệp cần lưu ý các quy định mới về ca làm việc và ca liên tục như đã trình bày ở trên để tính thời gian nghỉ giữa giờ vào thời gian làm việc, bảo đảm nghỉ việc chuyển ca của NLĐ được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, NSDLĐ và NLĐ được khuyến khích thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào thời giờ làm việc đối với những trường hợp khác không phải làm việc theo “ca liên tục”.

Thời gian nghỉ giữa giờ

 

Mức xử phạt đối với NSDLĐ khi không sắp xếp cho NLĐ nghỉ giữa giờ theo quy định:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/ NĐ -CP về xử phạt đối với hành vi:

“4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

  •  Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động
  • Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động
  • Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động
  • Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ – CP.

Trên đây là chia sẻ của Luật Hà Sơn Bình về thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động theo quy định của pháp luật. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn đọc trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006193.