Vốn điều lệ của doanh nghiệp do những thành viên tham gia thành lập đóng góp và được ghi trong điều lệ doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ trình bày đầy đủ mọi thông tin về vốn điều lên theo những quy định mới nhất của Luật Doanh nghiệp 2020.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp là gì?
Theo khoản 38, Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”
Thông qua vốn điều lệ làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích giữa các thành viên, cổ đông trong công ty. Vốn điều lệ là quy định bắt buộc đối với các loại hình doanh nghiệp: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Khi thành lập công ty trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh vốn điều lệ của doanh nghiệp là nội dung bắt buộc phải có trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Vốn điều lệ khi khai báo không được kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã quy định cụ thể các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào công ty, doanh nghiệp. Theo đó, tài sản vốn góp có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bi quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp thế nào? Có cần phải chứng minh vốn điều lệ không?
Pháp luật không quy định về mức tối đa vốn điều lệ, chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định về mức vốn góp vào doanh nghiệp để phát triển và phục vụ cho công việc kinh doanh. Mức tối thiểu vốn điều lệ dành cho các hoạt động kinh doanh bình thường không yêu cầu vốn pháp định thì không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu. doanh nghiệp có thể kê khai mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp.
Thực tế, pháp luật Việt Nam không có quy định yêu cầu các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam phải chứng minh vốn điều lệ khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Cơ quan thuế cũng không kiểm tra tiến độ góp vốn của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải góp đủ số vốn đã đăng ký trong thời hạn quy định và nếu phát sinh vấn đề hoặc xảy ra rủi ro thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ đã đăng ký.
Thời hạn góp vốn điều lệ công ty, doanh nghiệp
Chủ sở hữu/thành viên/cổ đông phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, thì:
Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định;
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
Công ty cổ phần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này đồng thời phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.
Nên đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp cao hay thấp?
Ngoại trừ các ngành, nghề đầu tư kinh doanh yêu cầu mức vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp. Việc để mức vốn điều lệ của doanh nghiệp bao nhiêu không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ liên quan tới mức thuế (lệ phí) môn bài doanh nghiệp phải đóng, cụ thể:
LOẠI HÌNH TỔ CHỨC VÀ VỐN | TIỀN THUẾ PHẢI NỘP |
Doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ/vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | 3.000.000 đồng/năm |
Doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ/vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | 2.000.000 đồng/năm |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 1.000.000 đồng/năm |
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng: Vốn điều lệ chính là sự cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Do đó:
Nếu vốn điều lệ của doanh nghiệp thấp/quá thấp thì sự cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp sẽ bị giảm xuống, khó tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác trong kinh doanh. Đặc biệt, khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng thì với số vốn điều lệ quá thấp thì có thể sẽ làm cho ngân hàng cảm thấy không tin tưởng để cho vay số vốn vượt ngoài khả năng và vượt ngoài vốn điều lệ của doanh nghiệp;
Nếu vốn điều lệ cao/quá cao thì cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp và nguy cơ rủi ro cũng cao nhưng sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng với các khách hàng, đối tác hơn, đặc biệt là trong các hoạt động đấu thầu.
Tăng vốn điều lệ thì dễ, nhưng giảm vốn điều lệ thì khó. Vì thế tùy thuộc vào năng lực tài chính, phương hướng hoạt động và quy mô kinh doanh, chủ doanh nghiệp nên để số vốn điều lệ ở mức vừa phải và đủ khả năng của mình. Đến khi việc kinh doanh của công ty bắt đầu đi vào hoạt động ổn định hơn, và có dấu hiệu phát triển đi lên thì lúc đó sẽ tiến hành việc tăng vốn điều lệ cho công ty.
Vai trò, ý nghĩa vốn điều lệ của doanh nghiệp
Vốn điều lệ đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp:
Thứ nhất, là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty;
Cụ thể theo Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thành viên, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ một số trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
Vốn điều lệ thể hiện cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Do đó, vốn điều lệ càng cao, thì độ tin cậy của khách hàng, đối tác với doanh nghiệp càng lớn.
Để hiểu thêm hoặc cần giải đáp những vấn đề về vốn điều lệ của doanh nghiệp xin được liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng miễn phí 1900 6193 để được giải đáp.
Tìm hiểu thêm dịch vụ luật sư doanh nghiệp của Luật Hà Sơn Bình
—————————
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Địa chỉ: Số 68 Bắc Sơn (Km20+500), TDP Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.
VP: Số 22, ngõ 20, Nguỵ Như Kom Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6193
Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com