Quyền im lặng trong tố tụng hình sự

Quyền im lặng trong tố tụng hình sự của bị can bị cáo trong vụ án hình sự được xem là một vấn đề pháp lý quan trọng. Trong một số vụ án hình sự được dư luận xã hội quan tâm gần đây đã triệt để sử dụng quyền im lặng.  Tuy nhiên, trên thực tế quy định về quyền im lặng và các đảm bảo pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót, quyền im lặng vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, từ đó khó đảm bảo mục tiêu xây dựng nền tư pháp vững mạnh.

Bài viết dưới đây Luật Hà Sơn Bình trình bày quy định hiện hành của quyền im lặng và các đảm bảo pháp lý của quyền này.

Quyền im lặng là gì?

Ở Việt Nam, “quyền im lặng” không được quy định cụ thể trong luật. Tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS 2015) lần đầu tiên quyền im lặng của bị can, bị cáo được ghi nhận; tuy nhiên, Bộ luật không ghi nhận trực tiếp quyền im lặng là gì mà thể hiện gián tiếp qua một số điều luật: Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13); “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15); “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16); “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26); “Quyền của người bị buộc tội” tại các điều 59 đến 62.

Quyền này của người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được thể hiện như sau: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử. Đây chính là tinh thần cốt lõi của “Quyền im lặng” được thể hiện trong BLTTHS 2015. Điều này thể hiện sự khác biệt so với BLTTHS 2003, tại điều 49 và 50 (quy định về quyền của bị can, bị cáo), không có nội dung này.

Việc quy định quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình có thể được hiểu là người bị buộc tội có quyền không khai những điều chứa đựng thông tin bất lợi cho bản thân mình. Quy định này có thể hiểu tương đương với quyền im lặng.

Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung điều luật, người bị buộc tội chỉ có thể từ chối đưa ra lời khai nếu sự thẩm vấn yêu cầu lời khai có chứa đựng thông tin chống lại họ hoặc buộc họ phải nhận mình có tội. Còn đối với những câu hỏi khác trong quá trình thẩm vấn, người bị buộc tội không có quyền giữ im lặng. Mặt khác, một trong các nghĩa vụ của người bị buộc tội là phải có mặt theo sự triệu tập hoặc chấp hành yêu cầu của của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, điều này có nghĩa là họ không thể từ chối tham gia cuộc hỏi cung, lấy lời khai hoặc tại phiên tòa. Suy ra, người bị buộc tội phải có mặt trong các cuộc thẩm vấn và không thể giữ im lặng trong suốt thời gian này.

Có thể thấy, khi so sánh với luật pháp các nước và luật quốc tế, quy định về quyền im lặng của Việt Nam có nội dung và phạm vi tương đối hẹp. Lý giải cho điều này, có thể xét rằng đây là loại quyền mới đối với Việt Nam, một quyền im lặng tuyệt đối dành cho người bị buộc tội có thể gây ra nhiều rào cản cho các cơ quan TTHS trong việc giải quyết vụ án. Hơn nữa, so sánh với các nước khác, lực lượng điều tra của Việt Nam không được sở hữu những công cụ điều tra hiệu quả như thỏa thuận nhận tội (plea bargain), hoạt động ngầm (undercover) hoặc gài bẫy (sting operation) mà chỉ có thể sử dụng các biện pháp như nghe lén, ghi âm ghi hình bí mật một cách hạn chế. Sự quy định quyền im lặng ở mức độ tương đối, hay còn gọi là quyền không tự buộc tội chính mình, là sự cân bằng giữa quyền cá nhân và lợi ích xã hội.

quyen im lang trong to tung hinh su

Nội dung quyền im lặng trong tố tụng hình sự

Thứ nhất, Tự chủ khai báo

Tự chủ khai báo là việc bị cáo lựa chọn việc khai báo mà không phụ thuộc vào bất kỳ sự tác động từ các yếu tố khác, việc tự chủ khai báo là nội dung nhằm giúp cho các lời khai của bị cáo thống nhất. Tại phiên tòa, tự chủ khai báo bao gồm các nội dung sau: Bị cáo giữ nguyên lời khai tại các phiên tòa trước hoặc trong hồ sơ vụ án mà không khai thêm các nội dung khác; Lựa chọn lời khai phù hợp; Đề nghị nội dung hỏi và hỏi người nào.

Thứ hai, Chủ động sử dụng chứng cứ

Trong giai đoạn điều tra, truy tố, vì nhiều lý do khác nhau, các chứng cứ không được thu thập đầy đủ, tại phiên tòa việc bị cáo có quyền sử dụng chứng cứ có lợi để bảo vệ mình là một nội dung của quyền im lặng và thực tiễn một số vụ án gần đây cho thấy, khi vụ án được đẩy lên cao gây bất lợi cho bị cáo thì lúc này bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác xuất trình chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, Đề nghị người bào chữa thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa

Bị cáo có quyền tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nhưng do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế và những lý do, điều kiện nhất định nên không phải bị cáo nào cũng có khả năng thực hiện hiệu quả quyền im lặng. Do đó, quy định về quyền nhờ người bào chữa tham gia hỏi và trả lời là một bảo đảm quan trọng để bị cáo thực hiện các quyền im lặng.

Thứ tư, Không buộc nhận mình có tội

Chứng minh tội phạm là một quá trình, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tại phiên tòa có căn cứ hay không có căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội thì bị cáo không buộc tự nhận mình có tội, đây là một nội dung quan trọng trong quyền im lặng của bị cáo.

=> Vậy khi nào, giai đoạn tố tụng nào bị can, bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”?

Thực tiễn lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam nói chung, “Quyền im lặng” được người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo sử dụng rất ít. Qua nghiên cứu cho thấy, “quyền im lặng” được các bị cáo sử dụng ở các trường hợp sau:

– Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan ngôn luận đưa tin, bình luận trái chiều.

– Có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý vụ án (có tội, không có tội, khác nhau về tội danh, về chứng cứ…).

– Các bị can, bị cáo không nhận tội, có nhiều luật sư tham gia (bị cáo Phương Nga, Hoàng Công Lương đều cho rằng mình không phạm tội; bị cáo Nga có 3 luật sư bào chữa, Lương có 4 luật sư).

– Thời điểm các bị cáo sử dụng “Quyền im lặng” là lúc vụ án được đưa ra xét xử, khi biết mình bị VKS truy tố theo điều, khoản cụ thể của Bộ luật Hình sự. Ở đó bị cáo, luật sư sử dụng “Quyền im lặng” nhằm chống lại cáo buộc của VKS.

1.quyen im lang trong to tung hinh su

Ưu điểm và hạn chế khi sử dụng quyền im lặng

Ưu điểm khi sử dụng quyền im lặng

Thực hiện quyền im lặng không chỉ là một trong những đảm bảo tố tụng quan trọng mà còn là quyền con người đã được ghi nhận từ hơn hai thế kỷ trước.

Bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền im lặng do đó việc bị can, bị cáo không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những điều bất lợi cho bản thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự hiện hành không coi người bị buộc tội không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những vấn đề bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận tội hay “không thành khẩn khai báo” là tình tiết tăng nặng.

Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong đó có tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải” (điểm s). Mục 3 Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử trong đó có giải thích về tình tiết thành khẩn khai báo: “Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra”.

Quyền im lặng không loại trừ tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo”. Quyền im lặng của bị can, bị cáo nghĩa là không đưa ra các lời khai chống lại chính mình và không buộc nhận mình có tội. Bị can, bị cáo có quyền trình bày các thông tin, tình tiết liên quan đến vụ án, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra sự thật. Chỉ đối với những tình tiết chống lại mình và việc nhận tội danh, bị can, bị cáo có quyền im lặng. Như vậy bị can, bị cáo vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ nêu trên.

Hạn chế khi sử dụng quyền im lặng

Việc không trực tiếp quy định quyền im lặng cho người bị buộc tội là một thiếu sót nghiêm trọng của pháp luật tố tụng hình sự nước ta.

Quy định của pháp luật hiện hành vẫn coi trọng địa vị pháp lý của người tiến hành tố tụng trong khi địa vụ của người bào chữa chưa hoàn toàn được độc lập với các chủ thể khác.

Phiên tòa xét xử hình sự còn nặng về “xét hỏi” làm cơ quan buộc tội không chủ động tranh luận, trong khi Tòa án không phát huy vai trò “trọng tài” chứng kiến, xem xét cuộc tranh luận và vẫn coi là một bên của tranh luận thì quyền bào chữa của bị cáo sẽ không được thực hiện trên thực tế. Do đó, mặc dù pháp luật đã trao cho bị cáo quyền chủ động, tích cực tham gia phiên tòa, sử dụng pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho mình nhưng trước thực trạng trên, một số bị cáo sử dụng quyền im lặng của mình một cách thụ động như thực hiện quyền “không khai báo” khi Hội đồng xét xử xét hỏi.

Những hạn chế của chế định quyền im lặng theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Thiếu cơ chế bảo vệ người bị bắt, người bị tạm giữ

Thứ nhất, đối với đảm bảo pháp lý về quyền được thông báo quyền im lặng.

Điều 58 và Điều 59 của Bộ luật TTHS 2015 quy định, người bị bắt và người bị tạm giữ có quyền được giải thích về quyền của họ, trong đó có quyền im lặng. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS lại không đề cập đến thời điểm thực hiện sự giải thích, thông báo quyền. Trong sự so sánh với hai chủ thể khác là bị can và bị cáo, luật quy định rõ là bị can được thông báo quyền trước lần hỏi cung đầu tiên và bị cáo được thông báo quyền trong thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Mặc dù trong mẫu biên bản bắt người của Bộ Công an có mục quy định về việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị bắt vào thời điểm bắt. Tuy nhiên, theo quy định 2 Điều 87 Bộ luật TTHS 2015, “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”, vì vậy, mẫu biên bản bắt người của Bộ Công an không thể xem là căn cứ để hủy đi giá trị pháp lý của lời khai của người bị buộc tội.

Thứ hai, theo quy định của Điều 95 Bộ luật TTHS 2015, một trong các nguồn chứng cứ là lời khai của người bị bắt và người bị tạm giữ. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2015 lại không quy định về thể thức, trình tự, thủ tục của việc lấy lời khai này. Như vậy, liệu việc lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ có cần phải thực hiện các đảm bảo pháp lý như phổ biến quyền cho họ hay thực hiện thủ tục ghi âm, ghi hình hay không vẫn là những câu hỏi chưa được trả lời.

Những hạn chế trên gây ảnh hưởng tới quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ trong giai đoạn đầu của tố tụng trước khi được chuyển sang tư cách tố tụng là bị can, bị cáo với đầy đủ sự đảm bảo pháp lý.

Cơ sở đánh giá tính pháp lý của lời khai

Như đã đề cập ở trên, Bộ luật TTHS 2015 đã có một quy định rất tiến bộ khi xác định rõ ràng trường hợp chứng cứ, bao gồm lời khai, sẽ không có giá trị pháp lý nếu không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật này. Quy định này có thể được hiểu là bất kỳ chứng cứ nào được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do luật định thì đương nhiên sẽ đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ. Điều này dẫn đến một số điểm hạn chế và mâu thuẫn với quyền im lặng của người bị buộc tội.

Cụ thể như sau:Bộ luật TTHS 2015 quy định, người bị buộc tội có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Như vậy, yếu tố không bị ép buộc, hay còn gọi là tính tự nguyện là yếu tố cơ bản nhất của quyền im lặng. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2015 hoàn toàn không có điều khoản nào đề cập đến tính tự nguyện và mức độ chất lượng của sự tự nguyện trong đánh giá lời khai của người bị buộc tội.

Từ phân tích trên cho thấy, bên cạnh việc nhấn mạnh đến tính hợp pháp của chứng cứ, quy định của pháp luật TTHS hiện hành còn thiếu quy định về các tiêu chuẩn pháp lý riêng dành cho lời khai nhằm phù hợp với điểm đặc thù của loại chứng cứ này.

Một vấn đề khác cần phải đề cập đến, chính là giá trị pháp lý của các chứng cứ được thu thập dựa trên thông tin có từ lời khai được đánh giá là bất hợp pháp sẽ được nhìn nhận như thế nào. Có thể thấy rằng, trong một vài trường hợp, cán bộ điều tra có thể chấp nhận không tuân theo trình tự, thủ tục của Bộ luật TTHS nhằm lấy được những lời khai mang giá trị thông tin, từ đó dẫn dắt họ đến các loại chứng cứ khác có giá trị trong vụ án.

Như vậy, nếu căn cứ theo quy định pháp luật, thì chỉ lời khai ban đầu là không có giá trị pháp lý vì đã không tuân thủ trình tự thủ tục, còn các loại chứng cứ khác được thu thập theo đúng trình tự thủ tục dựa trên lời khai đó vẫn được xem xét như chứng cứ. Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạng chấp nhận đánh đổi lời khai vô giá trị lấy các chứng cứ khác của cán bộ điều tra, và từ đó xâm phạm đến quyền im lặng của người bị buộc tội.

2.ca do bong da va xu ly doi voi hanh vi ca do bong da theo phap luat hien hanh

Một số lưu ý

Quyền im lặng được thực hiện là cơ sở bảo vệ quyền con người, ngăn chặn tình trạng bức cung, nhục hình, các sai phạm trong tố tụng hình sự của các chủ thể tiến hành tố tụng. Do đó, đây chính là cơ sở để bị can, bị cáo theo dõi, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trên thực tế, trong quá trình lấy lời khai, nhiều bị can, bị cáo cho rằng việc khai báo theo hướng của cơ quan điều tra và nhận mình có tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là hiểu không đúng. Bởi lẽ lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Cơ quan tiến hành tố tụng không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Trường hợp bị can, bị cáo khai báo đầy đủ tuy nhiên không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, lời khai mang tính chất gian dối, bị can, bị cáo cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo.

Trên đây là hướng dẫn của Luật Hà Sơn Bình về quyền im lặng trong tố tụng hình sự. Nếu có vướng mắc hoặc cần thêm thông tin tư vấn luật hình sự xin vui lòng liên hệ hotline 1900.6193  để được hỗ trợ.

—————————

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Địa chỉ: Số 68 Bắc Sơn (Km20+500), TDP Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

VP: VP: Tầng 4, số 16 ngõ 91 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6193

https://www.facebook.com/hasonbinhlawfirm
https://www.tiktok.com/@luathasonbinh

Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com