Quy định của pháp luật về thuế liên kết

Luật Hà Sơn Bình- Thuế là một trong những vấn đề doanh nghiệp quan tâm hàng đầu khi thành lập doanh nghiệp cũng như trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để hiểu rõ về các loại thuế trong doanh nghiệp lại không phải là một điều dễ dàng bởi các quy định về thuế được quy định, hướng dẫn trong rất nhiều văn bản. Trong khuân khổ bài viết này Luật Hà Sơn Bình cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khái quát nhất những quy định của pháp luật về thuế liên kết, hãy cùng Luật Hà Sơn Bình tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. Thuế liên kết là gì?

Thuế liên kết thực chất là một thuật ngữ thường được cộng đồng kế toán gọi chung cho các nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên kết, mà trong đó giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết.

Quy định của pháp luật về thuế liên kết
Quy định của pháp luật về thuế liên kết

Vậy, các bên có quan hệ liên kết được hiểu là gì, các bên có quan hệ liên kết được hiểu là các bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn vào doanh nghiệp; các bên cùng chịu sự điều hành, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một tổ chức hoặc cá nhân; các bên cùng có một tổ chức hoặc cá nhân tham gia góp vốn; các doanh nghiệp được điều hành, kiểm soát bởi các cá nhân có mối quan hệ mật thiết trong cùng một gia đình.

Cụ thể theo quy định tại NĐ 132/2020/NĐ-CP các bên có giao dịch liên kết được mô tả như sau:

–  Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

– Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;

–  Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;

– Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

– Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

– Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

– Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;

– Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

– Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

– Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.

2. Nghĩa vụ của người nộp thuế có giao dịch liên kết

Người nộp thuế có giao dịch liên kết cần phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

– Người nộp thuế có giao dịch liên kết trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam.

– Người nộp thuế có trách nhiệm chứng minh việc thực hiện phân tích, so sánh và lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết khi Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

– Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 132/2020 NĐ-CP có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định trên và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Người nộp thuế có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết là các thông tin, tài liệu, số liệu, chứng từ.

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trong đó việc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết là một điều vô cùng quan trọng của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, bởi vì nếu không thực hiện bước này doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị cơ quan thuế ấn định thuế, như vậy có thể dẫn đến các thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp.

Trên đây là một số tư vấn của Luật Hà Sơn Bình gửi tới quý bạn đọc, để tìm hiểu rõ hơn hoặc tư vấn chuyên sâu hơn về vấn đề thuế trong doanh nghiệp nói chung và thuế liên kết nói riêng hãy liên hệ 1900 6193 để được tư vấn.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ SƠN BÌNH

 Địa chỉ VP: Đường du lịch Chùa Trầm, Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tp Hà Nội.

 Hotline: 1900 6193

 Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com