Việc nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình là tất yếu nhằm xây dựng hạnh phúc gia đình trọn vẹn, tuy nhiên trong những hoàn cảnh nhất định người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng của mình, do đó nghĩa vụ cấp dưỡng đã được đặt ra để đảm bảo cho người được nuôi dưỡng vẫn được hưởng những quyền lợi nhất định để phát triển tốt nhất.
Khái niệm cấp dưỡng
Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
Bốn đặc điểm của quan hệ cấp dưỡng
Căn cứ theo khái niệm được đưa ra có thể thấy cấp dưỡng là một quan hệ pháp lý với những đặc điểm như sau:
- Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ pháp luật về tài sản gắn liền với nhân thân, liên quan đến những lợi ích về tài sản, người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một số tiền hoặc tài sản nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, người được cấp dưỡng cũng mong muốn có được những khoản tài sản , vật chất nhất định để đáp ứng các nhu cầu đời sống thiết yếu của bản thân. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản đặc biệt, không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác ( Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
- Quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng ( giữa giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng), những chủ thể không thuộc phạm vi nêu trên như quan hệ giữa chú, bác, cô, dì với cháu thì không tồn tại nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù họ là những người thừa kế ở hàng thứ ba theo pháp luật.
- Quan hệ cấp dưỡng mang tính có đi có lại, không mang tính đền bù ngang giá và không diễn ra đồng thời, cha mẹ cấp dưỡng cho con và con cấp dưỡng cho cha mẹ nhưng diễn ra vào một thời điểm khác nhau và đền bù ngang giá thì không cần được đảm bảo, việc cấp dưỡng dựa trên yếu tố tình cảm, trên cơ sở đạo đức và nhu cầu tình cảm ruột thịt giữa con người với con người theo phong tục tập quán của Việt Nam ta nên khi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì người cấp dưỡng thực hiện một cách tự nguyện, tự giác, không tính toán đến giá trị tài sản phải bỏ ra,…
- Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ phát sinh, tức chỉ phát sinh khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc được thực hiện nhưng không đầy đủ.
6 trường hợp cấp dưỡng cụ thể
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Trường hợp cha mẹ không sống chung với con, không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con (cha mẹ ly hôn, đi làm ăn xa, chap hành án phạt tù, điều trị bệnh lâu dài,…) hoặc cố tình trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của Luật thì phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cha, mẹ với con.
Theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Ngoài ra, cha mẹ sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con kể cả khi cha mẹ bị hủy việc kết hôn trái pháp luật, bên không sống chung với con cũng phải cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bình đẳng không phân biệt con trai, con gái, con nuôi, con ngoài giá thú.
Trường hợp con đã thành niên đã kết hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ mình thì nghĩa vụ đó là nghĩa vụ riêng và được thực hiện bằng tài sản riêng và tài sản của người đó trong khối tài sản chung với người khác mà không dùng tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Con riêng không có nghĩa vụ cấp dưỡng với bố dượng, mẹ kế. Con dâu, con rể được coi là thành viên trong gia đình nhưng không có nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em
Cấp dưỡng giữa anh, chị em với nhau chỉ phát sinh khi nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ với con không thực hiện được, anh chị đã thành niên sẽ cấp dưỡng cho em chưa thành niên hoặc em đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, không sống chung với mình, em đã thành niên thì chỉ có thể cấp dưỡng cho anh chị đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. ( Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trường hợp anh, chị cấp dưỡng cho em chưa thành niên thì em chưa thành niên phải đồng thời không có tài sản riêng để tự nuôi mình, còn nếu em chưa thành niên nhưng có tài sản riêng thì không đặt ra vấn đề cấp dưỡng.
Trường hợp có nhiều anh chị em đã thành niên thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì quyền và nghĩa vụ của mỗi người là như nhau, có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng phù hợp với khả năng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng
Anh, chị, em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau.
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
Trường hợp cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu được quy định tại Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo thứ tự ưu tiễn cấp dưỡng như bố, mẹ hoặc anh, chị, em đủ điều kiện cấp dưỡng.
Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo thứ tự ưu tiên cấp dưỡng của Luật.
Nghĩa vụ cấp dưỡng này là nghĩa vụ chung của bốn ông bà bao gồm : ông bà ngoại, bà ngoại và ông nội, bà nội và không có sự phân biệt trong việc xác định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội và ông bà ngoại, cháu nội và cháu ngoại
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì , chú, cậu, bác ruột và cháu ruột
Điều 114 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trường hợp không có người cấp dưỡng theo thứ tự cấp dưỡng bố, mẹ, anh, chị, em, ông bà cho người chưa thành niên hoặc người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cô, dì, chú, bác ruột với cháu và ngược lại cháu đã thành niên có cô, dì, chú, bác ruột không có khả năng lao động không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật thì cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng. Trường hợp có một bên hoặc hai bên trong quan hệ cấp dưỡng có nhiều người thì áp dụng quy định về nhiều người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người, một người cấp dưỡng cho nhiều người hay nhiều người cấp dưỡng cho nhiều người.
Điều kiện để phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, bác ruột với cháu như sau:
- Giữa cô dì, chú bác ruột với cháu phải có mối quan hệ huyết thống, mối quan hệ này được xác định trên cơ sở xác định quan hệ cha, mẹ, con, lúc này cha, mẹ con phải là cha mẹ con ruột, cô, dì, chú, bác cũng phải là anh, chị, em ruột của bố, mẹ người được cấp dưỡng.
- Cô, dì, chú, bác phải không chung sống vói cháu, cháu là người được cấp dưỡng là ngời chưa thành niên, không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo thứ tự ưu tiên của Luật.
Nghĩa vụ cấp dướng giữa vợ và chồng khi ly hôn
Khi hôn nhân chấm dứt mà một bên rơi vào tình trạng túng thiếu, khó khăn thì được quyền yêu cầu bên còn lại cấp dưỡng ( Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Đây không phải là trường hợp cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình vì khi ly hôn đã chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, họ không là thành viên gia đình với nhau, còn trong thời kì hôn nhân thì pháp luật không quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng.
6 căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình
Theo Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt khi có các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
Trường hợp con chưa thành niên nay đã thành niên có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình, con đã thành niên đã hồi phục sức khỏe và có lại khả năng lao động để có thể kiếm thêm thu nhập, tự lo cho cuộc sống của mình hoặc có tài sản để tự nuôi mình thông qua tặng cho, thừa kế,… thì người được cấp dưỡng đã tự lo được cuộc sống và tự mình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bản thân nên quan hệ cấp dưỡng sẽ chấm dứt.
Thứ hai, người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
Khi người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi, nghĩa vụ cấp dưỡng đương nhiên chấm dứt . Giữa chủ thể nhận nuôi và người được cấp dưỡng phát sinh quan hệ nuôi dưỡng theo quan hệ nuôi con nuôi, do đó người nhận con nuôi sẽ thay người cấp dưỡng thực hiện quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, việc cấp dưỡng lúc này là không còn cần thiết. Cấp dưỡng sẽ chấm dứt tại thời điểm việc đăng kí nuôi con nuôi được ghi vào sổ hộ tịch.
Thứ ba, người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
Nghĩa vụ cấp dưỡng xuất phát khi người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không có điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục người được cấp dưỡng cho không sống chung. Do đó, hi người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt, trường hợp này nghĩa vụ cấp dưỡng đã chuyển sang nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Thứ tư, người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản gắn liên với nhân thân không thể chuyển giao cho người khác. Quyền và nghĩa vụ trong quan hệ cấp dưỡng phải do chính bản thân người có quyền và nghĩa vụ thực hiện khi một bên trong quan hệ chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng cũng chấm dứt. Trường hợp một bên cấp dưỡng có nhiều người và một trong số họ chết thì những người còn lại vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ năm, bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
Trong trường hợp này bên được cấp dưỡng sau khi kết hôn sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân mới, lúc này việc đảm bảo nhu cầu sống thiết yếu cho các thành viên trong gia đình mới cũng sẽ phát sinh, do đó quan hệ cấp dưỡng chấm dứt tại thời điểm người được cấp dưỡng đăng kí kết hôn.
Thứ sáu, trường hợp khác theo quy định của luật.
Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật mà khi không có một trong các căn cứ trên mà vẫn có thể thuộc trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng thì vẫn có thể chấm dứt khi có quy định của luật khác có liên quan.
Trên đây là hướng dẫn của Luật Hà Sơn Bình về khái niệm cấp dưỡng, đặc điểm và trường hợp cấp dưỡng, căn cứ chấm dứt cấp dưỡng. Nếu có vướng mắc hoặc cần thêm thông tin tư vấn luật hôn nhân gia đình xin vui lòng liên hệ hotline 1900.6193 để được hỗ trợ.
—————————
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Địa chỉ: Số 68 Bắc Sơn (Km20+500), TDP Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.
VP: Số 22, ngõ 20, Nguỵ Như Kom Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6193
Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com