Đã kết hôn, đứng tên nhà đất một người được không?

Đứng tên nhà đất sổ đỏ luôn được người dân quan tâm nhất là  sau khi kết hôn, vợ chồng thường đứng tên chung trên sổ đỏ, tuy nhiên, cũng có những trường hợp mong muốn được đứng tên một mình trên sổ trong thời kỳ hôn nhân. Đây là một vấn đề khá được quan tâm của những đôi vợ chồng muốn đứng tên chủ sở hữu một tài sản trên sổ. Để giải đáp những vướng mắc xung quanh vấn đề này, bài viết dưới đây của Luật Hà Sơn Bình sẽ trình bày rõ cho Quý khách những quy định cụ thể.
đứng tên nhà đất

Quy định pháp luật về việc đứng tên sổ đỏ của vợ chồng

Căn cứ theo khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.”

Đây là quy định mới nhất về việc đứng tên trên sổ đỏ.

Tuy nhiên, trước đây, các quy định của pháp luật đất đai chưa ghi nhận nội dung này, nên nhiều trường hợp sổ đỏ chỉ đứng tên một người.  Đối với những trường hợp này, nhà đất đó vẫn được xác định là tài sản chung của cả 2 vợ chồng nếu nhà, đất đó được tạo lập sau khi đăng ký kết hôn, mà không phải do vợ hoặc do chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc mua, nhận chuyển nhượng bằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Đã kết hôn, có được đứng tên sổ đỏ một mình?

Như đã phân tích ở trên, bắt buộc phải ghi cả họ và tên của vợ chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận khác. Nên trong thời kỳ hôn nhân, nếu muốn đứng tên trên sổ đỏ một mình thì cần có thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản.

Bên cạnh đó căn cứ theo  quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp: Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.

Vì vậy, trong thời kỳ hôn nhân vợ hoặc chồng vẫn được đứng tên một mình trên sổ đỏ trong các trường hợp sau:

– Thứ nhất, vợ hoặc chồng được nhận thừa kế riêng là nhà, đất. Khi đó, Người thừa kế là vợ hoặc chồng sẽ đứng tên nhà đất một mình.

Ví dụ: người vợ sau khi kết hôn được cha mẹ để lại thừa kế cho riêng, thì tài sản đó vẫn là tài sản riêng của người vợ và người vợ được đứng tên một mình trên giấy tờ sở hữu.

– Thứ hai, vợ hoặc chồng được tặng cho riêng nhà đất, thì họ cũng đứng tên một mình trên sổ đỏ.

– Thứ ba, vợ hoặc chồng mua nhà đất bằng tài sản riêng của mình thì cũng đứng tên trên sổ đỏ một mình.

– Thứ tư, trước khi kết hôn, hai bên có thỏa thuận về tài sản riêng của vợ, chồng sau khi kết hôn, và thỏa thuận này được công chứng hoặc chứng thực, thì tài sản phát sinh sau khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu của từng người theo nội dung đã thỏa thuận và khi đó, sổ đỏ cũng sẽ đứng tên 1 người.

– Thứ năm, vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung và nếu tải sản đó là nhà, đất, thì thỏa thuận này phải được công chứng, khi đó, nhà đất được chia là tài sản riêng theo thỏa thuận. 

Hồ sơ thực hiện thủ tục đứng tên sổ đỏ một mình

Thủ tục để đứng tên sổ đỏ một mình vẫn thực hiện theo trình tự bình thường, tuy nhiên, hồ sơ nộp để cấp sổ đỏ đứng tên một người thì cần phải cung cấp các giấy tờ tương ứng với từng trường hợp đề cập ở mục 2. Cụ thể, thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị  hồ sơ.

Theo đó, hồ sơ phải nộp để đứng tên sổ sổ một mình, thì ngoài bộ hồ sơ như xin cấp sổ lần đầu hoặc đăng ký biến động, cần phải cung cấp một trong các giấy tờ sau:

  1. Văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế nếu bạn được thừa kế riêng.
  2. Hợp đồng tặng cho nhà đất, nếu bạn được tặng cho riêng.
  3. Chứng từ chứng minh bạn nhận chuyển nhượng nhà đất bằng tài sản riêng của bạn.
  4. Bản Thỏa thuận công chứng về việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn.
  5. Bản thỏa thuận công chứng về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Bước 2: Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ, bạn Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

 

Hồ sơ hợp lệ thì sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ ghi ngày hẹn trả kết quả. 

Bước 3: Nộp các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ,…

Bước 4: Đến ngày hẹn ghi trên phiếu tiếp nhận, đến Văn phòng đăng ký đất đai đã nộp hồ sơ, nộp lại biên lai đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nhận Giấy chứng nhận.

Lưu ý: Trong khi làm việc với cơ quan chức năng có thẩm quyền; hồ sơ sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng và yêu cầu bổ sung thêm tùy thuộc từng trường hợp yêu cầu đứng tên sổ đỏ 1 mình. Lệ phí sẽ phụ thuộc vào quy định của từng địa phương (sẽ có sự chênh lệch đáng kể giữa các nơi).

Quyền lợi của người đứng tên trên sổ đỏ

Theo quy định, người đứng tên sổ đỏ có quyền lợi sau:

Quyền sử dụng: Là quyền sở hữu tài sản dựa trên ý chí riêng, không gây ảnh hưởng đến những bên khác như quyền và lợi ích của người khác, lợi ích dân tộc, quốc gia, lợi ích cộng đồng.

– Quyền định đoạt: Là quyền chuyển nhượng, định đoạt, tiêu hủy, tiêu dùng tài sản.

– Quyền sở hữu nhà, những tài sản khác liên quan tới đất: Người đứng tên hoặc được cấp Giấy chứng nhận về quyền sở hữu hợp pháp sẽ được thừa hưởng quyền này.

– Đảm bảo quyền lợi từ kết quả đầu tư đất đai được ở hữu trên sổ đỏ.

– Nhà nước đảm bảo về quyền lợi khi bị trực tiếp xâm phạm đến lợi ích về đất hợp pháp.

– Trong trường hợp bị thu hồi nhất sẽ được đền bù đúng với quy định.

– Quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng lại hoặc cho thuê, được quyền thế chấp và góp vốn quyền sử dụng, quyền hạn chế sử dụng những khu đất liền kề.

– Bên cạnh đó, người đứng tên trên sổ đỏ còn có quyền hợp pháp sau:

+ Quyền bất khả xâm phạm nhà ở.

+ Toàn quyền sử dụng vào mục đích không bị nghiêm cấm bởi pháp luật.

+ Nếu xây dựng nhà ở sẽ được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà.

+ Quyền sử dụng những tiện ích công cộng xây dựng trên khu đất.

+ Quyền sửa chữa, bảo trì, phá dỡ hoặc xây dựng.

+ Quyền khiếu nại và khiếu kiện khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.

Nếu Giấy chứng nhận chỉ đứng tên một người, người còn lại muốn đứng tên cùng thì phải thực hiện thủ tục gì?

– Trường hợp 1: Nhà đất là tài sản chung nhưng Giấy chứng nhận chỉ đứng tên một người

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:

“…Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.”

Theo đó, nếu nhà đất là tài sản chung nhưng chỉ đứng tên vợ hoặc chồng thì tiến hành làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận để được đứng tên cả hai vợ chồng. Thành phần hồ sơ bao gồm: 

+ Đơn đề nghị cấp đổi theo mẫu;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

+ Bản sao CCCD/CMND, đăng ký kết hôn của hai vợ chồng.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả Giấy chứng nhận.

– Trường hợp 2: Nhà đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng muốn nhập thành tài sản chung và hai vợ chồng cùng đứng tên

Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

  1. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
  2. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Theo như quy định trên, để nhà đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhập vào tài sản chung thì hai vợ chồng cần lập văn bản thỏa thuận về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Sau đó, văn bản này được mang đi công chứng tại tổ chức, cơ quan công chứng nơi có nhà đất. Sau đó, có thể tiến hành thủ tục bổ sung thêm tên của vợ hoặc chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phần hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đăng ký biến động theo mẫu;

+ Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;

+ Văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung đã công chứng;

+ Bản sao CCCD/CMND và đăng ký kết hôn của hai vợ chồng.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Trong thời hạn không quá 13 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả Giấy chứng nhận.

Cùng Luật Hà Sơn Bình tìm hiểu các thông tin hữu ích về pháp luật.
Với tiêu chí:
+ Luôn luôn “Tận Tâm”
+ Giữ trọn “Chữ Tín”
+ Đem lại “Hiệu Quả” tối ưu nhất
Với dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại trực tuyến, chúng tôi mong muốn được góp phần nhỏ bé để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, đưa từng quy định, đưa dịch vụ Luật sư đến mọi người – mọi nhà!
Chúng tôi mong muốn bất cứ người dân nào, khách hàng nào cũng có thể sử dụng dịch vụ pháp lý, dịch vụ Luật sư, kể cả là những người ít có điều kiện nhất, xa xôi một cách tốt nhất, kịp thời nhất!
Thông tin chi tiết: https://luathasonbinh.vn/
https://www.facebook.com/hasonbinhlawfirm
Hotline: 19006193