Điểm mới Dự thảo Luật Đất đai 2022

Luật Hà Sơn Bình – Chiều 8/8/2022, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Dự thảo luật Đất đai bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành trung ương về chương trình “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, nổi bật với 9 điểm mới đáng chú ý về chính sách đất đai trong dự thảo luật đất đai 2022.

diem moi du thao luat dat dai 2022

1. Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và những luật khác có liên quan đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật có liên quan, bảo đảm về tính đồng bộ và thống nhất.

Giải quyết cơ bản một số tồn tại, vướng mắc có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ hạng mục nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, đất an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất dành cho cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời ra khỏi trung tâm đô thị lớn; đất lấn biển; đất phục vụ tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp và sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số…

2. Đất không có giấy tờ dễ dàng được cấp Sổ đỏ hơn?

Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai hiện nay đang quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) cho cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Theo quy định này, nếu hộ gia đình, cá nhân vẫn được cấp Sổ đỏ dù không có giấy tờ dưới đây:

– Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước 15/10/1993 khi thực hiện chính sách đất đai của Việt Nam.

– Sổ đỏ tạm thời được cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước 15/10/1993.

– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho đất, giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất…

– Giấy chuyển nhượng đất, mua bán nhà ở trước 15/10/1993 được Uỷ ban nhân dân xác nhận là đã sử dụng trước 15/10/1993…

Thì vẫn sẽ được cấp Sổ đỏ nếu đã được sử dụng ổn định trước 01/7/2004, không vi phạm pháp luật về đất đai, được UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch được phê duyệt.

Nhưng đến dự thảo mới này, Luật Đất đai đã không còn yêu cầu phải sử dụng đất trước 01/7/2004 nữa mà khoản 2 Điều 115 dự thảo chỉ yêu cầu các điều kiện:

– Đất dùng cho mục đích nông nghiệp không phải lấn, chiếm, tranh chấp đất đai.

– Đất dùng cho mục đích phi nông nghiệp không phải lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị… đã được phê duyệt và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

3. Bỏ khung giá đất, có phương pháp để xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường

Để hoàn thiện cho cơ chế xác định giá đất, Nghị quyết Trung ương có quy định: Bỏ khung giá đất, có cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc của thị trường, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. (Hiện hành, khung giá đất đang được quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP, đây là cơ sở để các địa phương ban hành bảng giá đất cho giai đoạn từ năm 2020-2024).

Hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của Hội đồng nhân dân; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Tiếp tục hoàn thiện các quyền, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển, Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích… Hoàn thiện các cơ chế để Tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất…

4. Đánh thuế cao hơn đối với những người sở hữu nhiều bất động sản

Nhằm hoàn thiện cho cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, Ban Chấp hành Trung ương đã có yêu cầu về quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, có nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, hoặc bỏ đất hoang.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi cho đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào thiểu số, gia đình có công với cách mạng; những địa phương nào được quy hoạch sản xuất nhằm mục đích bảo đảm an ninh & lương thực quốc gia, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, hay rừng đặc dụng…

(Hiện hành, chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất đối với các hộ nghèo thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 45/2014/NĐ-CP; đối với người có công thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP.)

5. Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất

Nghị quyết 18-NQ/TW có quy định, trong thời gian sắp tới sẽ thực hiện công việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc là đấu thầu dự án có sử dụng đất.  (Hiện nay, việc cho thuê đất chủ yếu được thực hiện theo Điều 56 Luật Đất đai năm 2013).

Cụ thể, hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 3 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.

Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.

Dự thảo cũng quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định đối với quản lý đất đai có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.

Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất; các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp như thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cập nhật các biến động về quản lý của địa phương về Trung ương, các cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trân tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.

6. Cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào những mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo đúng quy định

Hiện nay, theo Điều 54 Luật Đất đai năm 2013 có quy định, cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp theo như quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai năm 2013 thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất thì không thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo như Nghị quyết 18-NQ/TW thì trong tương lai, việc giao đất cho cơ sở tôn giáo sẽ được quy định theo hướng cụ thể sau:

– Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức sẽ không thu tiền sử dụng đất đối với đất được sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở các tổ chức tôn giáo.

– Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác sẽ phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

– Quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với tổ chức tôn giáo phải phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương đó.

7. Sắp có quy định cụ thể về bồi thường và hỗ trợ tái định cư nếu như người dân bị thu hồi đất

Cụ thể, theo Nghị quyết 18-NQ/TW quy định đối với những trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư lại, thì phải hoàn thành việc bố trí tái định cư trước khi tiến hành thu hồi đất.

Việc bồi thường và hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, để bảo đảm công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật;

Đồng thời, có thêm quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân nào có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, được bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ.

(Hiện nay, việc bồi thường cho người dân sau khi bị thu hồi đất sẽ thực hiện theo quy định từ Điều 88 – 92 Luật Đất đai năm 2013 )

8. Mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

Theo quy định mới hiện hành, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ các gia đình, cá nhân được quy định tại Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Trong thời gian tới sẽ ban hành quy định mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, để phù hợp hơn với đặc điểm và điều kiện của từng vùng, từng địa phương, với việc chuyển đổi về nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.

Bên cạnh đó, xây dựng những quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp.

Xây dựng cơ chế, các chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện việc thu hồi đất giao khoán không đầu tư đến từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo như quy định, phù hợp hơn với điều kiện của từng địa phương, từng vùng, miền.

Có chính sách phù hợp hơn để ưu tiên giao đất cho các đồng bào dân tộc đang thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả hơn để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi đã được giao đất.

9. Quy định về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm và đất hình thành từ hoạt động lấn biển trong dự thảo luật đất đai 2022

Đây là một trong những điểm mới nhất được nhắc đến tại Nghị quyết 18-NQ/TW . Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương có chủ trương sau:

– Bổ sung và hoàn thiện các quy định đối với việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh trên cơ sở tổng kết việc thí điểm của một số chính sách để tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trong quá trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh kết hợp với đất sản xuất và xây dựng nền kinh tế.

– Bổ sung những quy định về đất ở kết hợp với đất thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại và dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh.

– Quy định về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, những công trình ngầm, đất được hình thành từ các hoạt động lấn biển.

Trên đây là những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Đất đai. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn của Công ty. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 1900 6193, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

———————

CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ SƠN BÌNH

Địa chỉ VP: Đường du lịch Chùa Trầm, Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tp Hà Nội.

Hotline: 1900 6193

Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com