Cấu thành tội phạm là gì? Đây có thể được hiểu là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng bao gồm các dấu hiệu chủ quan và các dấu hiệu khách quan, khách thể và chủ thể được ghi nhận trong pháp luật hình sự làm căn cứ để xác định một hành vi phạm tội cụ thể. Việc nắm rõ các quy định của pháp luật về cấu thành tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tội phạm cụ thể.
Cấu thành tội phạm là gì?
Hiện nay, trên thực tế có rất nhiều trường hợp có sự nhầm lẫn giữa tội phạm và cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm là những dấu hiệu pháp lý làm căn cứ để xác định hành vi phạm tội cụ thể, đồng thời cũng là căn cứ để phân biệt các hành vi phạm tội khác nhau. Trong quá trình xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một hành vi phạm tội cụ thể cơ quan có thẩm quyền phải xác định các cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội, từ đó ra các quyết định truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình tư vấn pháp luật cho khách hàng, bộ phận tư vấn pháp luật của công ty Luật Hà Sơn Bình nhận thấy có rất nhiều khách hàng còn vướng mắc liên quan đến cấu thành tội phạm, từ đó chưa xác định được hành vi phạm tội tương ứng với các tội phạm cụ thể. Cấu thành tối phạm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xác định tội phạm, do vậy, nắm được các quy định về cấu thành tội phạm là vấn đề quan trọng và cần thiết.
Nếu bạn đang gặp các vướng mắc liên quan đến vấn đề hình sự nói chung và các vấn đề liên quan đến cấu thành tội phạm nói riêng thì bạn có thể liên hệ với công ty Luật Hà Sơn Bình thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6193 để được bộ phận tư vấn pháp luật đất đai của chúng tôi tư vấn cụ thể về các vấn đề này.
Các dạng cấu thành tội phạm trong bộ luật hình sự
Các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được cấu thành tội phạm phản ánh, có thể chia cấu thành tội phạm thành: cấu thành tội phạm cơ bản; cấu thành tội phạm tăng nặng; cấu thành tội phạm giảm nhẹ. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày về các dạng cấu thành tội phạm cơ bản trong Bộ luật hình sự.
Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội. Đó là cấu thành tội phạm bao gồm những dấu hiệu mô tả tội phạm và là cơ sở pháp lý cho việc định tội danh và phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Đây là các cấu thành tội phạm được thể hiện ở khoản 1 của đa số các tội phạm như tội trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự), tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự)….
Căn cứ vào cấu trúc của cấu thành tội phạm có thể chia cấu thành tội phạm thành: cấu thành tội phạm hình thức; cấu thành tội phạm vật chất; cấu thành tội phạm hỗn hợp. Trong đó:
Cấu thành tội phạm hình thức
Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có duy nhất một yếu tố bắt buộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi gây thiệt hại cho xã hội hoặc hành vi tạo ra khả năng gây ra các thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hành động phạm tội là làm một việc mà pháp luật hình sự cấm không được làm. Ví dụ: hành động giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự); cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự).
Còn hành vi phạm tội được thực hiện dưới dạng không hành động là trường hợp không làm một việc mà pháp luật bắt buộc phải làm, như các hành vi: không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 Bộ luật hình sự); không tố giác tội phạm (Điều 314 Bộ luật hình sự) (2). Các tội pham có cấu thành hình thức là những tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 78 – 84, 86-91, 133, 134… Bộ luật hình sự.
Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được mô tả trong điều luật phần các tội phạm Bộ luật hình sự.
Cấu thành tội phạm vật chất
Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, trong đó:
– Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa; được quy định ở các điều luật cụ thể thuộc phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
– Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc hậu quả phi vật chất. Căn cứ vào mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, thì có thể chia hậu quả do hành vi phạm tội gây ra thành bốn mức sau: hậu quả ít nghiêm trọng; hậu quả nghiêm trọng; hậu quả rất nghiêm trọng; và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó: Hậu quả ít nghiêm trọng là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra ở mức không lớn cho xã hội. Hậu quả nghiêm trọng là thiệt hại lớn cho xã hội về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và thiệt hại phi vật chất khác.
Hậu quả rất nghiêm trọng là thiệt hại rất lớn cho xã hội về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và thiệt hại phi vật chất khác. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là thiệt hại đặc biệt lớn cho xã hội về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và thiệt hại phi vật chất khác.
Với tư cách là một yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm vật chất, thì chỉ những hành vi gây ra một trong các loại thiệt hại sau đây mới bị coi là tội phạm: hậu quả nghiêm trọng; hậu quả rất nghiêm trọng; và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả nghiêm trọng; hậu quả rất nghiêm trọng; và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Còn hành vi không gây ra hậu quả ít nghiêm trọng chỉ bị coi là phạm tội khi đi kèm các dấu hiệu khác (chúng tôi sẽ trình bày ở cuối bài viết này). Nghiên cứu các tội phạm có cấu thành vật chất, thấy “hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”được thể hiện bởi nhiều dạng khác nhau.
Có những tội dùng trực tiếp thuật ngữ gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” như tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng; tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…
Và cũng có tội gây ra nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được thể hiện dưới dạng các mức độ thiệt hại cụ thể như: tính mạng, % sức khỏe bị thiệt hại, giá trị tài sản bị hành vi phạm tội xâm phạm. Đó là các tội: giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản…
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm có cấu thành vật chất. Theo quy định của pháp luật, thì chỉ được coi là giữa hành vi khách quan và hậu quả có quan hệ nhân quả khi:
Hành vi trái pháp luật phải xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian. Đây là căn cứ đầu tiên cần thiết cho việc kiểm tra sự tồn tại của quan hệ nhân quả và trên thực tế khi kiểm tra căn cứ này thì trong vụ án cụ thể, nếu không thoả mãn căn cứ thì không có khả năng tồn tại quan hệ nhân quả giữa giữa hành vi và hậu quả.
Hành vi trái pháp luật phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra phải là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của chính hành vi trái pháp luật. Hành vi trực tiếp gây ra hậu quả và hậu quả chính là hệ quả trực tiếp của hành vi.
Cũng cần lưu ý rằng, trong quan hệ nhân quả, hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân, tuy giữ vai trò quyết định đối với sự phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng hậu quả đó xảy ra hay không và xảy ra như thế nào còn phụ thuộc vào những “điều kiện” nhất định như khắc phục, cứu chữa kịp thời…
Cấu thành tội phạm hỗn hợp
Cấu thành tội phạm hỗn hợp là loại cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm vừa có yếu tố của cấu thành tội phạm hình thức, vừa có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất.
– Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất. Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất là loại cấu thành tội phạm đặc trưng mới được quy định trong Bộ luật hình sự từ sau lần sửa đổi bổi sung năm 1997.
Trong Bộ luật hình sự năm 1999 loại cấu thành tội phạm này được quy định tại một số tội xâm phạm sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ….Theo đó các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm bao gồm hành vi vi phạm, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Hành vi khách quan là hành vi vi phạm bởi vì nếu chỉ xét hành vi thì hành vi đó chưa đến mức bị coi là phạm tội do đối tượng tác động của tội phạm chưa đến mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự như: công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới năm trăm ngàn đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới ba mươi triệu đồng; nhận hối lộ dưới năm trăm ngàn đồng… nhưng người thực hiện hành vi vi phạm vẫn bị coi là phạm tội vì gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Do vậy, với loại cấu thành tội phạm này, thì thời điểm hoàn thành của tội phạm được tính từ thời điểm gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc thiệt hại phi vật chất cho xã hội chứ không phải là thời điểm thực hiện hành vi vi phạm. Loại cấu thành tội phạm này được mô tả ở một số điều luật cụ thể phần các tội phạm Bộ luật hình sự như sau:
– “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng …, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự)”.
– “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ* sáu tháng đến ba năm (khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự)”
– “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc …, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm (khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự)”.
– “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào* có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b)…..
c)…… (khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự)” v.v…
– Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm hình thức. Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm chỉ bao gồm một dấu hiệu bắt buộc của mặt khách quan của cấu thành tội phạm là hành vi vi phạm.
Hành vi khách quan là hành vi vi phạm bởi vì nếu chỉ xét hành vi thì hành vi đó chưa đến mức bị coi là phạm tội do đối tượng tác động của tội phạm chưa đến mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng với đặc điểm nhất định về nhân thân, thì người thực hiện hành vi vi phạm đó bị coi là phạm tội.
Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm hình thức giống cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm chưa đến mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Điểm khác nhau của cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành hình thức so với cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm không bao gồm hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả.
Thứ hai, thời điểm hoàn thành của tội phạm không tính từ thời điểm gây ra hậu quả mà được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.
Căn cứ vào tính chất nhân thân của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, có thể chia các cấu thành tội phạm hỗn hợp thành: cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm; và cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố đã bị kết án mà còn vi phạm.
+ Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm là cấu thành tội phạm mà một trong những yếu tố cấu thành tội phạm là “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”.
Trong Bộ luật hình sự, loại cấu thành tội phạm này được thể hiện ở một số điều luật cụ thể phần các tội phạm Bộ luật hình sự như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng …. đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc …, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự)”.
“Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc … thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi* triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm (khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự)”.
“Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 156, 157, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc…, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm (khoản 1 Điều 158 Bộ luật hình sự)” v.v…
Đặc điểm của loại cấu thành tội phạm này là hành vi vi phạm chỉ bị coi là phạm tội khi người thực hiện hành vi đó đã bị xử phạt hành chính, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm. Có hai loại “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”:
Một là, “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Đây là trường hợp trước đó đã có lần vi phạm và bị xử phạt hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính nay lại có hành vi vi phạm cùng loại. Trong trường hợp này hành vi đã bị xử phạt hành chính và hành vi mới bị phát hiện giống nhau. Như đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính nay lại có hành vi buôn lậu.
Hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về “hành vi khác” mà còn vi phạm. Khác với trường hợp trên, trong trường hợp này hành vi đã bị xử phạt hành chính và hành vi vi phạm mới bị phát hiện là các hành vi khác loại.
Tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự là tội danh theo hành vi mới. Như trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính nay lại có hành vi sản xuất hàng cấm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử về tội buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự.
Thời điểm hoàn thành của các tội phạm có cấu thành tội phạm thuộc dạng này là thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.
+ Cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm là cấu thành tội phạm mà một trong những yếu tố cấu thành tội phạm là yếu tố “đã bị bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Trong Bộ luật hình sự, loại cấu thành tội phạm này được thể hiện ở một số điều luật cụ thể phần các tội phạm Bộ luật hình sự như sau:
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng… hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo* chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình (khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự)”;
“Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc… hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự)”;
“Người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc… hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm (khoản 1 Điều 161 Bộ luật hình sự)”v.v…
Đặc điểm của loại cấu thành tội phạm này là hành vi vi phạm chỉ bị coi là phạm tội khi người thực hiện hành vi đó đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Cũng có hai loại dấu hiệu “đã bị kết án, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”:
Một là, “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Đây là trường hợp sau khi bị kết án, chưa được xóa tích nay lại có hành vi vi phạm. Trong trường hợp này, tội phạm đã bị kết án và hành vi mới vi phạm là những hành vi cùng loại. Như đã bị kết án về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, chưa được xoá án tích nay lại thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Hai là, đã bị kết án về tội phạm “khác” chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Trong trường hợp này tội danh đã bị xử không trùng với tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hình vi mới.Thời điểm hoàn thành của các tội phạm có cấu thành tội phạm thuộc dạng này là thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.
– Ngoài các loại cấu thành tội phạm hỗn hợp nêu, chúng tôi thấy còn một số dạng cấu thành hỗn hợp quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, thì:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Trong tất cả các trường hợp nêu trên chỉ có trường hợp quy định tại điểm b. “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là cấu thành có điểm giống với cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất ở chỗ: hậu quả bắt buộc xảy ra là cố tật nhẹ; và tội phạm được hoàn thành từ thời điểm gây ra cố tật nhẹ cho nạn nhân.
Các trường hợp còn lại có điểm giống với cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố cấu thành tội phạm hình thức là tội phạm được hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm. Điểm khác nhau cơ bản giữa các trường hợp này với cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố cấu thành tội phạm hình thức thể hiện ở các điểm sau đây:
Thứ nhất, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi (vi phạm – chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) bị coi là phạm tội do tính chất của hung khí là nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.
Thứ hai, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi vi phạm bị coi là phạm tội do số lần vi phạm hoặc số người bị vi phạm là “lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người”.
Thứ ba, theo quy định tại các điểm d và đ khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi vi phạm bị coi là phạm tội do đối tượng người bị hại là “trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo” của người vi phạm.
Thứ tư, theo quy định tại các điểm e khoản 1 và ý 1 điểm i khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi vi phạm bị coi là phạm tội do tính chất của hành vi vi phạm là “có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ”.
Thứ năm, theo quy định tại ý 2 điểm i khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi vi phạm bị coi là phạm tội do nhân thân của người vi phạm là “tái phạm nguy hiểm”.
Thứ sáu, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi vi phạm bị coi là phạm tội do thời gian thực hiện hành vi vi phạm là “Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục”.
Thứ bảy, theo quy định tại các điểm h và k khoản 1 Điều 104, thì người thực hiện hành vi vi phạm bị coi là phạm tội do mục đích, động cơ thực hiện hành vi gây thương tích là “Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Điểm chung nhất của các dạng cấu thành tội phạm hỗn hợp nêu trên là hành vi vi phạm chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng người thực hiện hành vi vi phạm đó bị coi là phạm tội khi có một trong những điều khác đi kèm.
Theo chúng tôi, thì việc Bộ luật hình sự quy định những cấu thành tội phạm hỗn hợp nêu trên là mẫu thuẫn với quy định tại Điều 8 “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…”. Thiết nghĩ cần nghiên cứu khắc phục bất cập này khi có điều kiện sửa đổi Bộ luật hình sự.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình giải đáp câu hỏi Cấu thành tội phạm là gì? Các dạng cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn của Chúng tôi.
Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 1900.6193, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.
Xem thêm những vấn đề về tư vấn luật hình sự được các nhân viên có nhiều kinh nghiệm tại Luật Hà Sơn Bình giải đáp
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ SƠN BÌNH
Địa chỉ VP: Đường du lịch Chùa Trầm, Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Hotline: 1900 6193
Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com