Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân

Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân trong tố tụng hình sự nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện cho quá trình giải quyết vụ án hình sự cũng như đảm bảo thi hành án. Luật Hà Sơn Bình mời quý bạn đọc tham khảo bài viết sau để được cung cấp thông tin cụ thể về các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân.

Quy định về pháp nhân trong Bộ luật Hình sự

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân là một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  • Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015;
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Căn cứ vào mục đích thành lập, hoạt động của pháp nhân mà Bộ luật Dân sự 2015 phân loại pháp nhân trong quan hệ dân sự theo hai loại pháp nhân cơ bản là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp luật hình sự quy định cụ thể pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Pháp nhân thương mại có thể hiểu là các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Biện pháp cưỡng chế là gì?

Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại được áp dụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Thẩm quyền áp dụng bao gồm Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

  • Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
  • Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
  • Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
  • Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.

Các biện pháp cưỡng chế pháp nhân trong tố tụng hình sự

Kê biên tài sản

Kê biên tài sản được áp dụng đối với pháp nhân trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và được áp dụng đối với bị can, bị cáo bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Các biện pháp cưỡng chế

 

Về tài sản bị kê biên, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu có vấn đề gì xảy ra với tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục kê biên tài sản: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên; người chứng kiến phải có mặt khi kê biên tài sản. Trình tự, thủ tục kê biên tài sản được áp dụng theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Phong tỏa tài khoản

Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.
Các Biện pháp cưỡng chế

Các điều kiện để các chủ thể có thẩm quyền tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 có quyền xem xét áp dụng biện pháp này như sau:

  • Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại;
  • Có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước;
  • Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 cũng quy định trường hợp tài khoản không phải của pháp nhân trong vụ án nhưng nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó có liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thì vẫn có thể bị áp dụng biện pháp này

Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân

Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội.

Về thẩm quyền áp dụng bao gồm: Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 có quyền ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân. Quyết định tạm đình chỉ phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Việc tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố phải được hiểu là tạm đình chỉ hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực hoạt động gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về căn cứ áp dụng, mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 không quy định cụ thể về căn tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân, chỉ quy định nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội.

Buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án

Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hạiBiện pháp này chỉ áp dụng đối với pháp nhân bị truy cứu về tội mà Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hình phạt tiền hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại và chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc để bồi thường thiệt hại.

Trường hợp áp dụng thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

  • Pháp nhân tự nguyện nộp tiền để không phải chịu áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản;
  • Pháp nhân đã bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản hoặc cả hai nhưng không đủ để thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Trường hợp đã áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản mà đã đảm bảo cho việc thi hành án thì không cần thiết phải áp dụng biện pháp này.

Về thẩm quyền áp dụng tuân theo quy định tại khoản 2 Điều 439 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Về trình tự, thủ tục áp dụng, Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp qua Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 do Chính Phủ ban hành.

Những biện pháp cưỡng chế pháp nhân phạm tội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự. Tùy vào từng loại biện pháp cưỡng chế mà trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp trên cũng sẽ khác nhau.

Trên đây là chia sẻ của Luật Hà Sơn Bình về Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn đọc trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật. Nếu có thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006193.

—————————

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Địa chỉ: Số 68 Bắc Sơn (Km20+500), TDP Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

VP: Tầng 4, số 16 ngõ 91 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6193

Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com