Người thực hiện hành vi phạm tội có thể không bị khởi tố hình sự trong những trường hợp nào?
I. Pháp lý
II. Nội dung
Với một số loại tội danh – người thực hiện hành vi phạm tội có thể không bị khởi tố hình sự nếu không có yêu cầu khởi tố của bị hại.
Trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho người bị hại, người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (bị hại) lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trong một số trường hợp nhất định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Điều 155 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
“Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 Các Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích), Điều 135 (Tội Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 136 (Tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng), Điều 138 (Tội Vô ý gây thương tích), Điều 139 (Tội Vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp), Điều 141 (Tội Hiếp dâm), Điều 143 (Tội Cưỡng dâm), Điều 155 (Tội Làm nhục người khác), Điều 156 (Tội vu khống) và Điều 226 (Tội Xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp) của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
Như vậy, người thực hiện hành vi phạm tội rơi vào Khoản 1 trong các Tội liệt kê nêu trên nhưng không có yêu cầu của bị hại thì có thể sẽ không bị khởi tố. Còn nếu hành vi thuộc vào các điều khoản khác (đều có tính chất phạm tội nguy hiểm hơn) thì vụ án vẫn sẽ được khởi tố mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của người bị hại.
Theo quy đinh tại Khoản 2 Điều 155 BLTTHS thì “trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Do đó, đối với những vụ án được khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật này, khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện rút đơn thì vụ án sẽ được đình chỉ. Tức là, nếu được người bị hại rút yêu cầu khởi tố, người thực hiện hành vi vi phạm có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu vụ án không thuộc các Trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015 mà cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì việc bị hại hoặc gia đình bị hại có rút đơn yêu cầu khởi tố có thể được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét coi là 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới
Hotline: 1900.6193 để được tư vấn hoặc đặt lịch gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!
Trân trọng
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ SƠN BÌNH
Địa chỉ VP: Đường du lịch Chùa Trầm, Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Hotline: 1900 6193
Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com