5 nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình

Là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam bởi vậy Luật hôn nhân và gia đình có những nguyên tắc cơ bản riêng. Những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam là sự định hướng vững chắc của Đảng và Nhà nước ta nhằm củng cố chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam ngày một tiến bộ, văn minh, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. 

Nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình là gì?

Nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình là những nguyên lý chỉ đạo, được quy định trong văn bản pháp luật hôn nhân và gia đình, thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, là nền tảng để phát triển ngành luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, góp phần quán triệt quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình và việc thi hành, áp dụng trên thực tế.

Pháp luật hiện hành đã quy định chi tiết những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình tại  Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

“Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

  1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
  2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
  3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
  4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
  5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.”

Những nguyên tắc này có những nội dung độc lập nhưng không tồn tại riêng biệt mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo một thể thống nhất đó là hệ thống những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, nhằm thực hiện mục đích, nhiệm vụ của ngành luật Hôn nhân và gia đình.

5 nguyen tac co ban cua luat hon nhan va gia dinh

Tìm hiểu chi tiết Luật Hôn nhân và Gia đình

Khái quát 5 nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình

Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ

Sự tự nguyện kết hôn của nam và nữ là yếu tố quan trọng để hình thành quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý và cũng là cơ sở để duy trì hạnh phúc lứa đôi. Thực hiện nguyên tắc này, cá nhân có quyền kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình mà không một cơ quan, tổ chức , xã hội, cá nhân nào được phép cản trở.

Nguyên tắc phù hợp với tinh thần pháp luật được quy định tại Điều 64 Hiến pháp Việt Nam nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Pháp luật cũng có những quy định cấm những việc kết hôn không đảm bảo yếu tố tự nguyện tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn, yêu sách của cải trong kết hôn,…

Đồng thời quyền tự do trong hôn nhân còn được thể hiện ở quyền tự do ly hôn, khi hai bên vợ, chồng cảm thấy không thể tiếp tục duy trì cuộc sống vợ chồng thì trong trường hợp đó, việc ly hôn là giải pháp tất yếu và tốt nhất cho cả hai bên, cho gia đình và xã hội.

Yêu cầu ly hôn được xuất phát từ tình trạng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được( Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình) mà hai bên chỉ muốn nhanh chóng được giải quyết.

Tương tự như khi kết hôn, việc ly hôn phải do vợ, chồng tự nguyện quyết định và việc ly hôn phải được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Pháp luật cấm cưỡng ép, lừa dối ly hôn, cấm ly hôn giả tạo.

Tìm hiểu thêm: Kết hôn trái pháp luật là gì? Hệ quả và các trường hợp kết hôn trái pháp luật

Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng

Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên nền tảng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và nam nữ bình đẳng nhằm xóa bỏ chế độ hôn nhân phong kiến( quyền đa thê).

Hôn nhân một vợ một chồng tồn tại vững chắc trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ, chế độ một vợ một chồng đảm bảo tình yêu giữa họ thực sự bền vững từ đó làm cơ sở để duy trì và củng cố hạnh phúc gia đình.

Nội dung của nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng là chỉ những người chưa có vợ, chưa có chồng hoặc tuy đã có vợ, có chồng nhưng hôn nhân đó đã chấm dứt mới có quyền kết hôn. Việc kết hôn của họ phải với người đang không có vợ, không có chồng.  

Để bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình có quy định cấm hành vi : “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” ( điểm c Khoản 2 Điều 5) và được khẳng định lại khi trong quy định về các điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật này.

Ngoài ra, nguyên tắc còn được cụ thể hóa trong các quy định về những trường hợp cấm kết hôn và được đảm bảo thực hiện trong những quy định về hủy việc kết hôn trái luật. 

1.5 nguyen tac co ban cua luat hon nhan va gia dinh

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng

Nguyên tắc này phù hợp với quy định tại Điều 64 Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hóa trong Luật hôn nhân và gia đình thông qua những quy định về quyền và nghĩa vụ mà vợ, chồng phải thực hiện.

Tại Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình ghi nhận việc vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình và tại Điều 23 thì vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ngoài ra, sự bình đẳng giữa vợ và chồng còn được thể hiện ở các quy định về xác định chế độ tài sản chung của vợ chồng: Về chế độ sở hữu, về chia tài sản khi ly hôn, về cấp dưỡng lẫn nhau. Sự bình đẳng này không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch,…

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng góp phần xóa bỏ sự bất công đối với người phụ nữ, đảm bảo cho người phụ nữ có một địa vị trong xã hội, ngang hàng với nam giới, được sống và phát triển trong một gia đình dân chủ, hạnh phúc.

Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và các con

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại khoản 1 Điều 68.

Nguyên tắc được xây dựng với mục đích xác định nghĩa vụ của những người làm cha, làm mẹ phải chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của con về mặt thể chất, trí tuệ và đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con trở thành những công dân có ích cho xã hội, và đặc biệt không phân biệt đối xử giữa các con, con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

Ví dụ: khi người cha hoặc người mẹ chết, bất kể là con cả, con thứ, con trai hay con gái, con nuổi hay con đẻ, con trong giá thú hay ngoài giá thú đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất và hưởng di sản của cha mẹ để lại.

Song song với đó thì các con cũng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà lúc ốm đau, già yếu. Những nghĩa vụ của con cháu, đối với cha mẹ được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Pháp luật cũng cấm những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

2.5 nguyen tac co ban cua luat hon nhan va gia dinh

 Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em

Phụ nữ và trẻ em luôn là những đối tượng được Nhà nước, xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Đối với người phụ nữ, Nhà nước, xã hội và những thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng và tạo điều kiện cho người phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt thiên chức cao quý của người mẹ. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Đối với trẻ em, có những quyền và nghĩa vụ như được học tập, được nuôi dạy phát triển về cả thể chất và tâm hồn và được tôn trọng, đảm bảo thực hiện những quyền đấy bởi ông bà, cha mẹ. Chế định nuôi con nuôi được đặt ra để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa.

Điển hình như việc pháp luật quy định người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi ( Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình) đã góp phần bảo vệ quyền lợi cho người mẹ và người con. Ngoài ra, khi ly hôn thì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em cũng phải được bảo vệ.

Trên đây là hướng dẫn của Luật Hà Sơn Bình về 5 nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu có vướng mắc hoặc cần thêm thông tin tư vấn luật hôn nhân gia đình xin vui lòng liên hệ hotline 1900.6193  để được hỗ trợ.

—————————

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Địa chỉ: Số 68 Bắc Sơn (Km20+500), TDP Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

VP: Số 22, ngõ 20, Nguỵ Như Kom Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6193

Email: hasonbinhlawfirm@gmail.com